image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
BÀI HỌC NẮM BẮT THỜI CƠ TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945 VẪN CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ

Cách mạng tháng, tám năm 1945 là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi to lớn của cách mạng tháng Tám là sự ra đời Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (9/1945), đây là cái mốc lịch sử chói lọi đã làm thay đổi căn bản vận mệnh Tổ quốc, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Độc lập, Tự do và chủ nghĩa xã hội. Bảy mươi chín năm đã trôi qua nhưng những bài học mà cách mạng tháng Tám mang lại đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

Anh-tin-bai

Tổng khởi nghĩa ở Hà nội, Ngày 19/8/1945.

Ảnh tư liệu, Nguồn Intenets

 Đảng ta đã từng xác định: "Thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền là thời điểm hội tụ những điều kiện chủ quan và khách quan chín muồi cho phép phát động cuộc tổng khởi nghĩa giành thẳng lợi. Do đó việc đánh giá và xác định đúng thời cơ, có hành động kịp thời là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của cách mạng”. (Trường Chinh - về cách mạng tháng Tám). Nói đến thành công của cách mạng tháng Tám các nhà nghiên cứu đã nói đến việc nắm bắt và vận dụng thời cơ tài tình của Đảng ta. Bởi vì trên thực tế, thời cơ để phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa lúc đó là rất lớn, thể hiện ở 4 vấn đề như sau:

Thứ nhất, lúc bấy giờ (8/1945) tình thế đã hoàn toàn khác với thời điểm ngày 9/3/1945 (khi Nhật đảo chính Pháp). Ngày 12/3//1945 Đảng ta đã có chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" trong đó Đảng ta đã nhận định rằng những điều kiện khởi nghĩa chưa thực sự chín muồi, bởi vì một là Pháp và Nhật chưa chia rẽ nhau một cách quyết liệt, Pháp và Nhật đều chưa hoang mang đến cực điểm, hai là cần có thêm thời gian tuyên truyền để sự giác ngộ và đồng lòng của nhân dân đạt đến mức cao nhất, ba là lực lượng của ta chưa được chuẩn bị đủ và chưa sẵn sàng hành động. Nhưng đến tháng 8/1945 thì tình thế đã thay đổi hẳn, Pháp chưa nắm lại được chính quyền, Nhật thì hoang mang cực độ, nhân dân đã tự giác vùng lên đấu tranh.

Thứ hai, về mặt chủ trương mà nói thì trong 5 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8/1945), Đảng ta đã kịp thời đề ra nhiều chủ trương nhằm củng cổ lực lượng, chuyển hướng đấu tranh cách mạng. Đặc biệt, trên báo Cờ giải phóng (17/7/1945) đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói rõ: "Khẩu hiệu chiến lược cách mạng thì phải đề ra một cách hết sức khách quan, phải căn cứ vào sự phân tích khoa học tình hình trong nước và ngoài nước, phải thích hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn". Đây thực sự là một định hướng quan trọng, một định hướng lớn cho phong trào cách mạng nước ta.

Thứ ba, lực lượng cách mạng đã được chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng hành động. Đảng đã thành lập Mặt trận Việt Minh (tháng 5/1941), mở nhiều lớp huấn luyện quân sự, chính trị, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (12/1944) tuyên truyền, giác ngộ, vận động và tập hợp quần chúng nhân dân sẵn sàng hành động.

Thứ tư, xét về các chỉ đạo cụ thể và các việc làm cụ thể. Tháng 8/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư kêu gọi khởi nghĩa, ban hành mệnh lệnh khởi nghĩa công bố Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa. Tiếp đó, họp Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 14 - 15/8/1945), tổ chức Đại hội quốc dân ở Tân Trào (16/8/1945) Đại hội đã quyết định toàn dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, bầu Ủy ban dân tộc giải phóng, thông qua Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam mới, v.v...

Như vậy, Đảng ta đã thấy rõ thời cơ của một cao trào mang tính quyết định của cách mạng đã đến. Bài học về nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ, vận dụng thời cơ trong cách mạng tháng tám là rất quan trọng, là bài học rất quý giá. Nếu kể từ khi Lệnh Tổng khởi nghĩa được phát ra (đêm 13/8/1945) đến khi khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn (25/8/1945) thì thời gian đó chỉ là 12 ngày. Các nhà chính trị thế giới đã coi cách mạng tháng Tám như là một cuộc nổi dậy chớp nhoáng và thành công ngoạn mục.