image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CHUYỆN TÌNH CỦA MỘT VỊ TƯỚNG NGƯỜI NGHỆ

Xưa nay, nói đến Thiếu tướng Hoàng Đan là nói đến vị tướng trận mạc, luôn có mặt trong những cuộc chiến ác liệt. Nhưng qua dòng hồi ức của người con trai út là ông Hoàng Nam Tiến trong cuốn sách “Thư cho em”, Tướng Hoàng Đan đã hiện ra bằng tất cả tình yêu thương dành cho người vợ hiền và con thơ.

Vượt qua lửa đạn chiến tranh

          Cuốn sách “Thư cho em” của doanh nhân Hoàng Nam Tiến được NXB Hội Nhà văn ấn hành cách đây chưa lâu đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo độc giả xa, gần. Ông Tiến là con trai út của vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Đan, quê ở xã Nghi Thuận (Nghi Lộc), một người từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Đại học FPT, cũng là một doanh nhân nổi tiếng. “Thư cho em” là những dòng hồi ức của tác giả về chuyện tình yêu, tình cảm của Thiếu tướng Hoàng Đan và bà Nguyễn Thị An Vinh. Dòng hồi ức của Hoàng Nam Tiến xen lẫn trích đoạn của hơn 400 bức thư vợ chồng Tướng Hoàng Đan gửi cho nhau đã làm bật nổi một tình yêu chân thành và đầy lãng mạn, đi qua những đoạn đường dằng dặc với 3 cuộc chiến tranh.

Anh-tin-bai

Gia đình Thiếu tướng Hoàng Đan

          Những ai từng biết đến Thiếu tướng Hoàng Đan (1928 - 2003) đều biết ông là người trưởng thành từtrận mạc, thường xuyên có mặt ở những mặt trận mang tính quyết định lịch sử, như: Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh (1968), Quảng Trị (1972), giải phóng Sài Gòn (1975) và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979)... Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc ông thường xuyên vắng nhà, kể cả 3 lần người vợ sinh nở, việc chăm lo gia đình và nuôi dạy các con luôn đặt lên vai người vợ hiền thục, đảm đang.

          Tiền tuyến và hậu phương cách xa muôn ngàn dặm, ở giữa là khói lửa mịt mùng, bom rơi đạn nổ, những yêu thương, hờn giận của đôi vợ chồng trẻ chỉ biết gửi gắm qua những cánh thư. Nói khác đi, cánh thư là sợi dây gắn kết tình cảm, niềm yêu thương của hai phương trời vời vợi. Cũng vì thế, chuyện tình yêu giữa Tướng Hoàng Đan và bà An Vinh không chỉ là chuyện cá nhân, gia đình mà đã trở thành phổ quát, thành câu chuyện chung của những cặp vợ chồng thời đạn bom, khói lửa.

Bởi vậy, trong bức thư gửi vợ ngày 28/5/1955, Tướng Đan viết: Cái hôn đầu tiên anh đặt lên môi em hôm ấy... có lẽ ngày ấy cũng đánh dấu quan hệ của chúng ta qua một bước mới phải không em? Sau đó 2 hôm anh lên Mậu Lâm và chia tay em đi học. Cái buổi sáng em dậy nấu cơm cho anh ăn và hai chúng ta nói chuyện hứa hẹn với nhau. Chắc em giận anh: “Anh đi làm tròn nhiệm vụ là đủ rồi, em sẽ vĩnh viễn yêu anh mặc dầu có xa cách hay anh có thương tật đi nữa em cũng một lòng yêu anh”. Anh nhớ vậy, mà anh cũng tin như vậy”.

Trong dòng hồi ức của mình, ông Hoàng Nam Tiến kể rằng, sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), bố mình đã đạp xe hơn 1.300 cây số để hỏi cưới mẹ. Chặng đường ấy bắt đầu từ Điện Biên, vượt 600 cây số về Nghệ An, nhưng đến nơi mới hay tin người yêu đã được cử ra Thái Nguyên học ngành thuế vụ. Ông lại đạp xe lên Thái Nguyên thì hay tin bà người yêu đã học xong và chuyển lên công tác tại Lạng Sơn. Thế là ông tiếp tục hành trình vòng sang Lạng Sơn để được thỏa lòng mong nhớ. 

Mãi mãi một niềm tin

          Và, khi đã thành vợ chồng, Tướng Hoàng Đan đặt niềm tin yêu ở người vợ ngoan hiền và tin tưởng mình sẽ vượt qua thủ thách khốc liệt, trở về với gia đình, quê hương. Trong thư gửi vợ ngày 24/7/1963, ông viết: Chúng ta đã hứa trong hoàn cảnh nào cũng sẽ yêu nhau và sẽ yêu nhau mãi mãi. Chúng ta đã làm được như vậy. Chỉ có một hoàn cảnh chắc em và anh đều nghĩ nhưng chúng ta không ai nói ra, là anh có thể không trở về sau chiến dịch nữa và vĩnh viễn xa em. Kể cũng thật khủng khiếp, nhưng lúc đó nhiệm vụ anh cũng xem là thường tình như trăm ngàn người bạn khác đã ngã xuống...”.

          Hơn 30 năm xông pha nơi trận mạc, không có một cái Tết nào Thiếu tướng Hoàng Đan được sum vầy, đoàn tụ cùng gia đình, không được giúp vợ dọn mâm cỗ cúng tổ tiên và mừng tuổi cho các con. Trong hoàn cảnh ấy, ông đã viết cho vợ hàng trăm bức thư (trong 400 bức thư, phần lớn là thư Tướng Đan gửi vợ), những bức thư chứa chan tình yêu thương mãnh liệt và không kém phần lãng mạn của đôi lứa xa nhau. Ngày 5/1/1974, ông viết cho vợ: “Vợ chồng nào thì cũng thương, cũng nhớ, nhưng anh vẫn cảm thấy vợ chồng mình thương nhau, nhớ nhau nhất. Nhiều người đã nói khi đứng tuổi thì niềm thương, nỗi nhớ đứng lại. Anh thì thấy ngược lại. Càng ngày càng thương nhớ em nhiều hơn, có lúc anh cảm thấy như không thể xa em được. Anh muốn em luôn bên cạnh anh, nếu anh ải, anh muốn làm gì, anh trả lời dứt khoát: Anh muốn em làm công tác bên anh…”.

          Xuyên suốt cuộc hôn nhân có chiều dài thời gian nửa thế kỷ của vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Đan là tình yêu thương hết mực của người chồng dành cho vợ, con ở hậu phương vàsự bao dung, giàu đức hy sinh của người vợ có chồng biền biệt nơi tiền tuyến. Vì thế, tiếp tục bức thư trên, vị tướng trận mạc đã viết: “Em cho anh biết Hải có khóc không, nếu nó còn hen thì nhất quyết phải gửi đi, vì để lâu nặng ra khó chữa và có thể ảnh hưởng đến học hành của nó. Nếu nó còn hen thì cho về Cửa Hội là tốt nhất, ở đó có bà và bà thì bao giờ cũng chăm sóc cháu chu đáo không kém gì mẹ”.

          Còn đây là trích đoạn bức thư bà Nguyễn Thị An Vinh gửi chồng 18/4/1961: “Anh cứ tin rằng, suốt đời em chỉ có anh thôi, vì anh đã chiếm hết tâm hồn, lý trí em rồi. Do đó, tuy anh đi lâu nhưng lúc nào em cũng nghĩ là có anh bên cạnh vậy”.

          Điều này đã giải thích vi sao khi mở đầu cuốn sách “Thư cho em”, tác giả Hoàng Nam Tiến đã chọn lời của một văn hào người Nga nổi tiếng làm lời đề dẫn: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi không gào thét, và sẽ còn lại không phôi pha tấm lòng em dịu dàng, nhẫn nại và chan chứa yêu thương...”.

          Có lẽ vì thế, trong lòng mình, ông Hoàng Nam Tiến đã thừa nhận không có tình yêu nào có thể đẹp hơn tình yêu của bố mẹ, không sự trìu mến nào có thể nhiều hơn sự trìu mến bố dành cho mẹ, không sự bao dung nào có thể lớn hơn sự bao dung mẹ đã dành cho bố.

          Cuốn sách “Thư cho em” đã giúp người đọc hiểu hơn về tình yêu và cuộc sống hôn nhân không chỉ trong thời chiến, mà có giá trị cả trong thời bình: Dù ở thời đại nào, tình yêu, hôn nhân cũng cần đến sự thủy chung, sự cảm thông và tấm lòng bao dung, đức hy sinh to lớn./.

Công Kiên