image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Chuyện về Anh hùng phi công Ngô Đức Mai

Gần 60 năm kể từ ngày phi công Ngô Đức Mai hy sinh trong trận không chiến bảo vệ bầu trời miền Bắc, người thân và bà con xóm làng, quê hương vẫn mãi khắc ghi hình ảnh người anh hùng lái MIG-17 khiến bao tên giặc lái Mỹ phải kinh hồn, bạt vía.

Ký ức người thân

          Đầu tháng 4, chúng tôi về xóm Làng Đông, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) để nghe những câu chuyện về Anh hùng, liệt sĩ Ngô Đức Mai (1938 - 1967), người từng bắn rơi 3 máy bay Mỹ, trong đó có chiếc máy bay của viên Đại tá Norman Gaddis được mệnh danh là “chuyên gia diệt MIG”. Bà con Làng Đông dẫn khách về nhà ông Ngô Đức Phượng (SN 1957), là em út của Anh hùng phi công Ngô Đức Mai, người còn lưu giữ một ít ký ức về anh trai của mình. Gia đình ông Phượng đang xây nhà mới, bộ khung ngôi nhà được hình thành khá quy mô, bề thế. Ông Phượng chia sẻ: “Anh Mai sinh ra, lớn lên và bước chân ra đi từ mảnh vườn này, nay gia đình chúng tôi xây ngôi nhà lớn để có nơi thờ cúng tươm tất, dành một phòng để trưng bày tranh ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự hy sinh của anh để xây đắp niềm tự hào cho thế hệ con cháu”.

Anh-tin-bai

Chân dung Anh hùng liệt sỹ Ngô Đức Mai

          Song thân ông Phượng là cụ Ngô Quang Thiêm và Hoàng Thị Dị (đã mất) sinh được 4 người con (4 trai, 2 gái), Anh hùng Ngô Đức Mai là con thứ 2, ông Phượng là con út. Gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng, vợ chồng cụ Ngô Quang Thiêm từng nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ lần lượt 4 người con trong gia đình lên đường nhập ngũ. Anh hùng Ngô Đức Mai nhập ngũ năm 1955, sau đó được cử đi học tại Trường Không quân Trung Quốc. Trở về nước, từ 1965 – 1967 là Phi công tiêm kích MIG-17, Trung đội trưởng bay, Đại đội 2, Trung đoàn Không quân 923, từng lập được những chiến công hiển hách.

          Ông Ngô Đức Phượng kém anh trai Ngô Đức Mai 19 tuổi, tức là lúc anh trai lên đường nhập ngũ ông Phượng mới chào đời, khi anh trai hy sinh, ông Phượng mới 10 tuổi. Vì thế, hai anh em không có nhiều thời gian để gần gũi, chỉ được gặp nhau đôi ba lần khi người anh trai về nghỉ phép. “Những lần về phép, anh Mai thường có quà, bánh cho bố mẹ và các em. Tôi là em út nên được anh ưu ái, cho phần quà nhiều nhất”, ông Phượng tâm sự. Người em út không thể quên ngày nhận được tin anh hy sinh, bố mẹ bần thần, suy sụp, suốt mấy ngày không ăn uống, họ hàng và bà con lối xóm đến chia buồn rất đông…

          Khi lớn lên, có điều kiện đọc sách, báo và gặp gỡ đồng đội của anh trai, ông Phượng mới hiểu thêm về những chiến công và sự hy sinh của Anh hùng Ngô Đức Mai. Người phi công này được đánh giá là mưu trí, dũng cảm, linh hoạt với 63 lần xuất kích, bắn rơi 3 máy bay Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng đội bắn rơi nhiều máy bay khác.

                             Chiến công và ân tình

Về chiến công của Anh hùng Ngô Đức Mai, trước tiên phải kể đến trận đánh ngày 4/3/1966 Ngô Đức Mai cùng đồng đội xuất kích đánh địch bay vào đánh tuyến đường sắt Yên Bái - Phú Thọ. Ở vị trí số 2, được số 1 yểm trợ, đồng chí đã bắn rơi 1 chiếc F-4 của địch. Đây là trận đầu lập công của Trung đoàn Không quân 923; góp phần xây dựng nên truyền thống “Đã cất cánh là đánh thắng”. Với chiến công này, tháng 4-1966, phi công Ngô Đức Mai cùng với 5 đồng đội vinh dự được gặp Bác Hồ và được Bác tặng huy hiệu của Người.

Ngày 12-5-1967, với 10 máy bay MiG-17 và 2 MiG-21 xuất kích, ta đã bắn hạ 5 máy bay Mỹ, đặc biệt người bắn rơi máy bay Đại tá Norman Gaddis là Thượng úy Ngô Đức Mai. Viên Đại tá Mỹ này đã có 4.300 giờ bay, từng là Phó Ban Tác chiến thuộc Bộ Tham mưu Không quân Mỹ, được cử sang Việt Nam với chức danh Phó Tư lệnh Không đoàn tiêm kích chiến thuật số 12 để nghiên cứu chiến thuật không chiến và tìm diệt MiG.

Các tốp máy bay Mỹ bay vào từ hướng Tây Nam với ý đồ tấn công các mục tiêu quanh Hà Nội. Sở chỉ huy Không quân quyết định cho MiG-17 đánh trước ở vòng trong, còn MiG-21 sẽ xuất kích sau, đánh ở vòng ngoài khi đội hình máy bay Mỹ bay ra. Biên đội MiG-17 (4 chiếc) do Cao Thanh Tịnh, Lê Hải, Ngô Đức Mai, Hoàng Văn Kỷ điều khiển nhận lệnh cất cánh từ Sân bay Gia Lâm bay về hướng Tây đến khu vực chiến đấu trên Sân bay Hòa Lạc. Khi đến ngang đỉnh sân bay thì gặp 4 chiếc F-4 của Mỹ, là đội hình máy bay F-4 của Không đoàn 366 do Đại tá Gaddis dẫn đầu. Máy bay Mỹ liên tục phóng tên lửa và nổ súng quyết liệt vào các máy bay MiG. Được sự dẫn dắt của đài chỉ huy bổ trợ, biên đội MiG của ta đã tách thành 2 tốp chiến đấu kiên cường với máy bay địch. Phi công Ngô Đức Mai và Hoàng Văn Kỷ quần nhau với chiếc F-4C chui từ dưới mây lên, đây chính là chiếc máy bay do Đại tá Gaddis điều khiển. Ngô Đức Mai nổ 2 loạt súng vào chiếc F-4 của Gaddis, chiếc F- 4C bùng cháy, rơi cách Sân bay Hòa Lạc 20km, Gaddis nhảy dù và bị dân quân bắt sống.

Ngày 3-6-1967, trong một trận đánh không cân sức với đội hình F-105 và F-4 của Mỹ trên vùng trời Bắc Giang, Thượng úy, phi công Ngô Đức Mai đã anh dũng hi sinh. Chiếc MIG-17 và thi thể phi công Ngô Đức Mai được tìm thấy ở địa bàn xã Vũ Xá, huyện Lục Nam (Bắc Giang) và được an táng tại địa phương. Đặc biệt, được gia đình ông Nguyễn Văn Hanh nhận thờ cúng, chăm sóc mộ phần. Hiện tại, Anh hùng Ngô Đức Mai đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Vũ Xá, được chính quyền và nhân dân địa phương chăm sóc chu đáo và thắm thiết ân tình. Theo ông Ngô Đức Phượng, hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, gia đình tổ chức ra Bắc Giang viếng mộ anh trai, thấy phần mộ của người thân được xây dựng một cách trang trọng và chăm sóc chu đáo khiến ai nấy đều yên lòng.

Ông Ngô Đức Phượng chia sẻ: “Ở quê, ảnh của Anh hùng Ngô Đức Mai được đặt trang trọng ở Nhà văn hóa xóm để bà con ngắm nhìn mỗi khi đến hội họp. Và tên anh được đặt tên cho một con đường ở thành phố Vinh. Sắp tới, đại gia đình chúng tôi dự kiến sẽ đưa mộ anh Mai về quê Mẹ để được ấm áp tình thân, gần gũi xóm làng sau gần 60 năm xa cách…”.       

Kông Kiên