image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CỰU CHIẾN BINH NGUYỄN HỮU TÂM TRƯỞNG BẢN KHE ĐÓNG “DÂN VẬN KHÉO VỚI CÔNG VIỆC QUAN TÂM CHĂM SÓC NGƯỜI KHUYẾT TẬT”.

Theo chân ông Vi Đình Cường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, kiêm Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxxin (CĐDC) xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An), chúng tôi đến bản Khe Đóng, cách trung tâm xã khoảng 3km, thăm Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hữu Tâm, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Khe Đóng. Hết lòng vì cộng đồng làng bản, đặc biệt “Dân vận khéo, với công việc chăm sóc người tàn tật” trong bản làng.

Ông sinh ra ở xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn. Năm 1965 theo gia đình di cư lên bản Khe Đóng, bản có hơn 90% người Dân tộc Thái, thuộc vùng sâu, vùng xa, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông.Được biết ông Nguyễn Hữu Tâm, nhập ngũ tháng 11 năm 1972, xung phong lên đường nhập ngũ khi mới 17 tuổi. Huấn luyện tân binh ở Đoàn 22 B tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Tháng 3 năm 1973, vào chiến  trường B2, bổ sung quân số vào Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên). Tháng 2 năm 1975 Nguyễn Hữu Tâm cùng đơn vị tham gia “Chiến dịch Tây Nguyên” mở màn  “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975” đánh địch ở Tây Nguyên, 12h ngày 10/3/1975 Thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng. Trên đà chiến thắng, theo đơn vị tiếp tục hành quân tham gia “Chiến dịch Hồ Chí Minh” 11h30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến dich Hồ Chí Minh toàn thắng Miền Nam hoàn toàn giải phóng…Đơn vị rút về Tây Nguyên, nơi đơn vị đóng quân trước đó. Tại đây 2/9/1975 anh Tâm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó năm 1977 Sư đoàn 10 được Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 điều động về đóng quân ở núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, hợp đồng tác chiến với với đơn vị bạn chốt chặn và đánh đuổi quân Pôn Pốt, vượt sang Căm – Pu – Chia.

Anh-tin-bai

CCB Nguyễn HữuTâm, Trưởng bản, chủ trì cuộc họp toàn dân bản Khe Đóng.

 

Đến tháng 3 năm 1979 anh theo đơn vị hành quân ra Biên giới Phía Bắc, đóng quân ở Lạng Sơn. Sau khi quân Trung Quốc xâm lược thất bại rút quân về nước,tháng 4 năm 1979, đơn vị trở về Đăk Tô, Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum nơi đóng quân trước đó. Tại nơi đây đến năm 1982 đơn vị tổ chức làm lễ kết hôn với chị Nguyễn Thị Tánh, quê huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, giáo viên Tiểu học lên vùng cao gieo cái chữ cho con em đồng bào Dân tộc Tây Nguyên.

Sau 11năm phục vụ trong quân đội, năm 1983 ông phục viên với quân hàm Trung úy. Trở về địa phương, ông được Cấp ủy Chi bộ và bà con xã viên tín nhiệm bầu làm làm Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Khe Đóng, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An). Tháng 10 năm 1986 Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hữu Tâm được Đảng ủy xã điều lên làm Xã đội Phó tham mưu giúp việc cho Ban chỉ huy Quân sự xã. Đến tháng 9 năm 1991, trở về làm Trưởng bản Khe Đóng, tháng 10 năm 1992, Đảng ủy xã điều lên làm Trưởng ban Nông – Lâm nghiệp xã Thạch Ngàn, đến năm 1999 Đại hội đại biểu Hội Nông Dân xã, CCB Nguyễn Hữu Tâm được bầu làm Chủ tịch Hội Nông Dân xã kiêm Ủy viên UBND phụ trách Nông- Lâm nghiệp xã.

Tháng 10 năm 2010, Đại hội Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC) xã, CCB Nguyễn Hữu Tâm được bầu làm Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC xã Thạch Ngàn đến năm 2020. Từ đó đến nay  ông là Đại biểu Hội đồng Nhân xã, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Khe Đóng xã Thạch Ngàn.

Với ông, là cán bộ đảng viên phải gương mẫu trước Nhân dân, nói phải đi đôi với làm. Với phong cách cương trực, thẳng thắn, trung thực, chu đáo và trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, nên được bà con dân bản đồng tình hưởng ứng. Dù ở cương vị nào ông Tâm luôn là người tiên phong đi đầu trong mọi công việc, đã tập hợp được sự đoàn kết nội bộ và sự đồng thuận của bà con dân bản để xây dựng quê hương ngày càng đổi mới đời sống Nhân dân ấm no, hạnh phúc, cảnh quan môi trường làng bản xanh -sạch -đẹp.

Anh-tin-bai

 

Toàn cảnh cuộc họp toàn dân bản Khe Đóng, CCB Nguyễn Hữu Tâm, Trưởng bản, chủ trì

 

Với tất cả tình thương và trách nhiệm, ông Nguyễn Hữu Tâm Trưởng bản Khe Đóng đã tích cực vận động bà con xây dựng nhiều mô hình kinh tế vườn trại phù hợp với điều kiện đất đai, đồi núi; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm hạn chế chăn thả, tạo nhiều sản phẩm phục vụ đời sống và đưa ra thị trường tiêu thụ, tăng phần thu nhập cho bà con dân bản.

Trải qua nhiều chức vụ và đơn vị, cơ quan công tác khác nhau, song ở cương vị nào ông cũng đều phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh hoàn thành công việc xã hội, ở cương vị Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản ông còntranh thủ thời gian, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho bà con dân bản học tập, noi theo.

Hàng năm gia đình duy trì chăn nuôi tư 100 đến 150 con gà, cải thiện đời sống và xuất bán ra thị trường thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng /năm; Nuôi từ 10 đến 15 con lợn thịt thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/ năm. Ngoài ra gia đình ông còn trồng 9 ha keo nguyên liệu trên đất rừng được giao, 5 năm thu hoạch một lần. Mỗi lần thu hoạch còn thu lại cho gia đình từ 500 đến 700 triệu sau khi trừ chi phí nhân công,

Điều đăc biệt đối với CCB Nguyễn Hữu Tâm, bản thân là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, lúc trái gió trở trời, những cơn đau khủng khiếp không xác định được căn bệnh đọa đày thân thể, nằm không được, ngồi không xong… Do vậy mọi việc nhà đều phải trông cậy vào vợ, thuê nhân công và sự giúp của bà con dân bản. Đối với công việc tập thể bản làng Cấp ủy Chi bộ và Nhân giao phó, nhờ vào sự đoàn kết, tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợcủa tập thể Ban cán sự bản làng và các Chi hội đoàn thể, Chi hội CCB…

Hàng năm được cấp trên khen thưởng về thành tích, có nhiều đóng góp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư. Ông Nguyễn Hữu Tâm đã giành toàn bộ số tiền khen thưởng của mình, trao cho người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn vui Tết đón Xuân…”Năm mô cũng rứa, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về ông Nguyễn Hữu Tâm, Trưởng bản luôn có phần quà giành cho chúng tôi, có năm thì cho được 50.000 đồng, có năm thì cho được 100.000 đồng… năm mô cũng có”.  Ông Mạc Văn Thanh và ông Lô Văn Quế 56 tuổi, người dân tộc Thái, bị bệnh liệt một chân ở bản Khe Đóng, xã Thạch Ngàn chia sẻ.

Anh-tin-bai

 

Vợ chồng CCB Nguyễn Hữu Tâm (phải), chụp ảnh lưu niệm với  ông  Vi Đình Cường Chủ tịch Hội CCB kiêm Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC (Trái) và CCB Vi Đình Thanh (giữa) chụp ảnh lưu niệm  bên ngôi nhà khang trang của gia đình.

 Vợ chồng ông có được 5 mặt con, còn được nuôi 4 con, trong đó có 2 con gái Nguyễn Thị Hiền, con gái đầu lòng sinh năm 1984 và Nguyễn Thị Minh, con gái út sinh năm 1991 đều bị tật thiểu não, do phơi nhiễm chất độc hóa học từ người cha. Cả 2 con gái đều không có chồng sống chung với cha mẹ, hưởng chế độ trợ cấp Nhà nước. Hai con trai không được học đến nơi, đến chốn do bênh tật triền miền, 1 người đã có gia đình và 1 người được ưu tiên đi xuất khẩu lao động. Cả 2 con trai đều lao động phổ thông.

Tiếp chuyện chúng tôi ôngLô Thanh Huấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn cho biết: “ÔngNguyễn Hữu Tâm là đại biểu HĐND  xã, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Khe Đóng, ông luôn gương mẫu, sống và làm việc với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Bản Khe Đóng do ông làm Trưởng bản có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Tâm là người cán bộ thôn bản, hội viên CCB gương mẫu trong công tác và các phong trào, các cuộc vận động của địa phương,hàng năm được Chi bộ xếp loại đảng viên Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Chính quyền, các cấp Hội tỉnh, huyện và xã ghi nhận, tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Những việc làm thiết thực, ý nghĩa của ông Tâm đã tạo sức lan tỏa sâu, rộng trong cán bộ và nhân dân về một tấm gương CCB tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”./.

Lương Ánh Sao