Giáo dân, hội viên CCB điển hình về phát triển kinh tế trang trại
Cựu chiến binh
(CCB) Nguyễn Văn Quán, sinh 1966, giáo dân xóm Lạc Thành, xã Hậu Thành, huyện
Yên Thành. Năm 1985, anh lên đường nhập ngũ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, phục
viên trở về địa phương sinh sống, với mong muốn làm giàu trên mảnh đất mình
sinh ra. Nhận thấy quê mình đất chật, người đông. Sau khi lập gia đình, anh đã
cùng vợ lên vùng Động Táo làm trang trại. Từ hai bàn tay trắng, anh đã mạnh dạn
khai hoang phục hóa, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, phát triển mô hình kinh tế
tổng hợp, vươn lên làm giàu cho gia đình, xã hội.
Khi được hỏi về
bước đầu làm kinh tế, CCB Nguyễn Văn Quán tâm sự: “Khi mới vào đây làm ăn thiếu thốn đủ bề, vốn liếng, kinh nghiệm, dịch
bệnh, tìm đầu ra cho sản phẩm. Có lúc cảm thấy chán nản, muốn bỏ về. Nhưng được
sự động viên của người thân, gia đình, đồng đội, và có một người vợ luôn hết
mình ủng hộ, nên tôi cũng yên tâm. Hai vợ chồng bàn bạc về nhà cắm bìa đất vay
ngân hàng, để đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp’’.
Bằng ý chí,
nghị lực của người lính Cụ Hồ, với khát khao cháy bỏng làm giàu chính trên mảnh
đất quê hương. Với số vốn vay ban đầu, anh đã cải tạo hơn 10ha đất đồi rừng,
chuyển đổi để làm kinh tế. Nhận thấy trồng rừng phải sau 4, 5 năm mới thu hoạch
được, trong khi đất đai rộng rãi, nguồn
cỏ tự nhiên phong phú, thuận lợi cho việc chăn nuôi. Anh đã trồng thêm
tre mét để lấy măng và xây dựng thêm mô hình chuồng trại chăn nuôi dê, bò, lợn,
gà, vịt, lấy ngắn nuôi dài. Để đạt được hiệu kinh tế quả cao, anh tích cực tìm
hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi. Đồng thời tự nghiên cứu, tiếp cận khoa học
- kỷ thuật mới, mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện
khí hậu, thổ nhưỡng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đến nay, gia
đình anh đang duy trì đàn bò 18 - 20 con, trong đó có 10 con bò sinh sản, mỗi
năm xuất bán từ 8 - 9 con bò thịt, với giá dao động từ 10 - 15 triệu đồng, thu
về từ 80 - 100 triệu đồng, duy trì đàn dê 40 con, hằng năm bán dê giống và dê
thịt thu về từ 90 - 120 triệu đồng. Từ chăn nuôi, trung bình mỗi năm gia đình
anh thu nhập gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn chăn nuôi lợn, gà, vịt để
tăng thêm nguồn thu nhập, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.
Không chỉ là tấm
gương điển hình phát triển mô hình về kinh tế trang trại, CCB Nguyễn Văn Quán còn
luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động của hội CCB địa phương, giúp đỡ những
gia đình hội viên CCB và người dân trong xóm có hoàn cảnh khó khăn, chia sẽ về
kỹ thuật, phát triển kinh tế hộ gia đình. Chính vì vậy, CCB Nguyễn Văn Quán được
chính quyền, hội CCB các cấp và Nhân dân tin yêu. Anh thật xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”; “sống tốt đời đẹp đạo, kính
Chúa yêu nước”./.
Bài: Đường Xuân Hùng