image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
MÔ HÌNH KINH TẾ “VACR” TẠO VIỆC LÀM CHO HỘI VIÊN

       Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, Cựu chiến binh Võ Văn Kỷ, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh xóm Nho Phong, xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã nỗ lực, phấn đấu vươn lên và trở thành tấm gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.

Anh-tin-bai

 

Giống Quýt PQ cho năng suất sản lượng cao đã giúp gia đình cựu chiến binh Võ Văn Kỷ có thu nhập ổn định. 

 Năm 1979, Võ Văn Kỷ nhập ngũ vào Quân đội đến năm 1983 hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, từ bàn tay trắng, ông đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Ông chia sẻ: “Những năm mới bắt đầu làm kinh tế, gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm, dịch bệnh, đầu ra cho các sản phẩm. Có thời điểm ông cảm thấy chùn bước trước khó khăn, đặc biệt về sức khỏe và vốn, nhưng rồi được sự động viên của người thân, gia đình, đồng đội, đặc biệt được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, với khoản vay 70 triệu đồng, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế VACR”.

           Bằng ý chí, nghị lực của người lính, ông quyết định cải tạo 03 ha đất để trồng cây ăn quả các loại: 1000 cây Cam xã đoài, 500 cây Cam V2, 200 cây Quýt PQ và 5 ha đất trồng cây nguyên liệu giấy, mỗi năm cho thu nhập từ 350 đến 400 triệu đồng đã trừ chi phí. Để mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, ông đã đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, đồng thời tự nghiên cứu, tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông đã trồng thêm 300 cây trám đen, đến nay đã có hơn 50 cây cho ra quả, thu nhập mỗi năm từ cây trám trên 60.000.000 đồng. Ngoài ra, ông còn kết hợp trồng thêm 1,5 ha chè thương phẩm và chăn nuôi gia cầm, cá. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng/năm. Với quy mô sản xuất như thế, mô hình trang trại của ông đã tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 10 – 15 lao động thời vụ hội viên CCB và người dân tại địa phương với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.

          Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình, ông Kỷ cho biết: “Theo tôi, để có thể sản xuất kinh tế đạt hiệu quả, trước hết bản thân cần kiên trì, chịu khó trước khó khăn. Cùng với đó, phải nghiên cứu nắm bắt thị trường, các mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương; tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất”.

           Ngoài phát triển kinh tế gia đình, Võ Văn Kỷ còn là một Chi hội trưởng chi hội CCB luôn luôn gương mẫu nêu cao tinh thần trách nhiệm phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, tích cực hoạt động đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao. Với những đóng góp và thành tích trong phát triển kinh tế, đồng chí nhiều lần được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng, là tấm gương tiêu biểu để các hội viên học tập, làm theo.

Trần Văn Toản