Một con người đã trải qua khốc liệt của chiến tranh, sức khoẻ chỉ còn lại 30%, đêm đêm lại bị những cơn đau của vết thương, những huỷ hoại âm thầm của chất độc da cam hành hạ. Thế nhưng, vượt qua nỗi đau của thể xác, người CCB, người thương binh nặng Nguyễn Ngọc Minh ở chi hội 11A Hội CCB xã Hưng Long vẫn cần mẫn chăm lo cuộc sống cho gia đình, góp phần làm giàu cho xã hội.
Sinh ra trong một làng quê có truyền thống làm nghề mộc, ngay từ nhỏ chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Minh đã say mê tìm hiểu và ưa thích về nghề này. Tuy nhiên, những năm khói lửa chiến tranh, Nguyễn Ngọc Minh đành gác lại những ước mơ hoài bão của riêng mình.
Sau 15 năm trong quân ngũ, ông trở về quê nhà, hành trang chỉ có hai bàn tay trắng và những vết thương của chiến tranh. Năm 1980, ông lập gia đình và lần lượt 3 người con ra đời trong cảnh túng thiếu.
Cuộc sống gia đình ông lúc này chủ yếu dựa vào đồng lương phụ cấp ít ỏi của ông cộng thêm mấy sào ruộng khoán. Sản xuất nông nghiệp để đủ ăn đối với một người bình thường đã khó, huống chi người mang thương tật nặng như ông.
Thế nhưng, với bản lĩnh ý chí của một người lính Cụ Hồ đã giúp ông vượt qua tất cả. Để thoát nghèo, ông mạnh dạn đổi mới phương thức làm ăn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng vào sản xuất, chăn nuôi.
Đất không phụ lòng người, cả thửa ruộng của gia đình ông năm nào cũng cho năng suất vượt trội. Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, ông chịu khó nuôi thêm đàn gà đàn lợn. Lấy ngắn nuôi dài, tích lũy dần dần, đời sống gia đình ông từng bước được cải thiện, con cái có điều kiện học hành đến nơi đến chốn.
Thế nhưng, nếu như bằng lòng chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp, cuộc sống gia đình ông cũng chỉ mới tạm đủ ăn. Với suy nghĩ đó, ông quyết tâm phải làm giàu bằng nghề mộc, một nghề ông đã ấp ủ từ thời trai trẻ.
Dù chỉ còn 30% sức khỏe nhưng ông Minh vẫn hăng say lao động
Bước đầu ông gặp không ít khó khăn, kinh nghiệm cũng như tay nghề còn non, trong khi đó đồng vốn đầu tư lại quá ít ỏi. Để học hỏi kinh nghiệm, ông chịu khó, nhẫn nại đi làm thuê cho các xưởng mộc lớn trong và ngoài tỉnh.
Khi đã có kỹ thuật, tay nghề cao, ông mạnh dạn vay vốn mở xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng phục vụ cho bà con trong vùng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng, ông tiếp tục đầu tư nguồn vốn nâng cấp sản xuất các đồ mộc cao cấp.
Dưới bàn tay tài hoa của ông, những sản phẩm đồ mộc tinh xảo đã ra đời và được người tiêu dùng ưa chuộng như bàn ghế, giường tủ... Hiện nay sản phẩm mộc cao cấp của gia đình ông đã có mặt khắp nơi.
Ông Minh chia sẻ: “Để tạo được thành công trong sản xuất, người làm mộc phải giữ được niềm tin vào nghề của mình. Muốn sản phẩm của mình có chỗ đứng trên thị trường phải lấy được lòng tin của đối tác và khách hàng bằng mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Điều quan trọng nhất là luôn đề cao chữ “tín” và đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu”.
Nhờ chất lượng hàng hoá tốt, mẫu mã đẹp và đa dạng, uy tín nghề mộc của ông ngày càng cao. Giờ đây, bạn hàng đến với xưởng mộc của gia đình ông ngày càng nhiều hơn. Doanh thu hàng năm từ nghề mộc trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí, gia đình ông còn lãi ròng trên 100 triệu đồng.
Hiện nay, ngoài làm mộc cao cấp, gia đình ông Minh còn mở thêm nghề sản xuất đá lạnh. Theo ông, nghề này tuy thu nhập không cao, nhưng nhu cầu sử dụng của người dân rất lớn. Với nghề này, ông đã tạo ra việc làm cho 2 - 3 lao động không phải đi làm ăn xa.
Từ hai bàn tay trắng, bằng công sức lao động của mình, giờ đây gia đình ông đã có cơ ngơi bề thế. Các phương tiện sinh hoạt đắt tiền trong gia đình ông không thiếu một thứ gì. Không chỉ làm giàu cho bản thân, việc làm của ông Minh còn góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội trên vùng quê được coi là điểm nóng về ma tuý của cả nước. CCB Nguyễn Ngọc Minh thực sự là biểu tượng của sự kiên trì nhẫn nại, vượt khó đi lên để mọi người học tập noi theo.