image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
XỨNG DANH CHIẾN SỸ ĐIỆN BIÊN DIỄN CHÂU

Xã Diễn Xuân có đông số thanh niên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có 2 gia đình có 6 người con nhập ngũ được Chính phủ tặng Bảng vàng danh dự. Ngay từ những ngày đầu đánh chiếm cứ điểm Him Lam đã có 32 tay súng tham gia, pháo thủ Trương Đức Liên vinh dự được bắn quả đạn pháo đầu tiên mở màn chiến dịch. Đồng chí Phạm Văn Chế (Đại đội 245, tiểu đoàn 11, trung đoàn 141, Đại đoàn 312) cùng đồng đội xung phong đánh bộc phá mở hàng rào đánh chiếm đồi Him Lam. Chiến sỹ thông tin Nguyễn Văn Uy như con thoi dưới làn bom đạn ác liệt của địch để truyền tin từ Sở chỉ huy xuống các đơn vị . Các đồng chí Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Hồng Khảo chỉ huy xe vận tải tiếp tế quân dụng, lương thực . Xã Diễn Lộc có hơn 20 chiến sỹ tham gia chiến dịch Điện Biên, trong đó có 2 anh em ruột cùng chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 và cả hai được kết nạp Đảng tại mặt trận Điện Biên, vinh dự được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người. Đó là ông Hoàng Sỹ Phúc và ông Hoàng Sỹ Lưu, hiện cả 2 người được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Sau ngày Điện Biên Phủ giải phóng, Diễn Châu có hơn 100 cán bộ chiến sỹ chuyển ngành sang làm việc trong các cơ quan nhà nước, trong đó có 2 người khi về hưu có chức vụ cao là ông Kheo Viết Huỳnh, Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần Nghệ An, hiện ở xã Diễn Cát. Ông Nguyễn Văn Miêu quê ở xã Diễn Xuân, nguyên là Giám đốc nhà máy cao su Sao vàng Nghệ Tĩnh. Còn ông Nguyễn Văn Uy, chuyển ngành về công tác ở huyện nhà được bổ sung sang ngành giáo dục, làm Hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở. Năm 1985, nghỉ hưu, ông tập trung viết sử xã Diễn Xuân, hiện là trưởng ban Liên lạc chiến sỹ Điện Biên của huyện Diễn Châu, chủ tịch giáo chức xã Diễn Xuân.

Hiện tại, Diễn Châu còn hơn 320 chiến sỹ tuổi từ 80 đến 90, sinh hoạt ở 39 câu lạc bộ (CLB) chiễn sỹ Điện Biên trong toàn huyện. 100% số xã thành lập CLB chiến sỹ Điện Biên, duy trì mỗi tháng sinh hoạt một lần. Nội dung sinh hoạt thiết thực, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Có tháng bàn chuyên đề về giáo dục thế hệ trẻ, phối hợp với Ban giám hiệu các trường học kể chuyện truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", gương chiến đấu dũng cảm của các anh hùng, liệt sỹ, tìm kiếm các kỷ vật chiến trường cho Bảo tàng cách mạng, tìm hài cốt liệt sỹ. Cao hơn nữa là giúp các xã viết lịch sử đảng bộ, lập bảng vàng truyền thống, ghi tên những người con quê hương có công với nước, với dân treo trang trọng ở nhà văn hóa, vận động con em Diễn Châu làm ăn xa gửi tiền về xây dựng quê hương.

Huyện và các xã đánh giá cao về vai trò CLB chiến sỹ Điện Biên, bởi từ ngày thành lập các hoạt động từ thiện nhân đạo, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được các cụ quan tâm làm tốt. Đến nay cả 460 xóm và 100% dòng họ trong huyện xây dựng được quỹ khuyến học, nơi ít 5 triệu, nơi nhiều 20 triệu đồng. Các loại quỹ khác như "Vì người nghèo", "Phòng chống thiên tai", " Đền ơn đáp nghĩa", "Nạn nhân chất độc da cam" đều được 100% gia đình chiến sỹ Điện Biên tham gia. Xã nào cũng có số dư hàng năm từ 50 đến 120 triệu đồng/quỹ. Tiêu biểu về làm khuyến học có ông Nguyễn Văn Uy, trưởng ban Liên lạc chiến sỹ Điện Biên huyện. Ngoài việc vận động con cháu trong dòng họ lập quỹ khuyến học dòng họ 60 triệu đồng, ông Uy còn thành lập quỹ khuyến học của gia đình với số tiền 12 triệu đồng, hàng năm phát thưởng cho các cháu trong họ học giỏi, thi đậu vào các trường đại học. Ông Hoàng Tư ở xã Diễn Lộc, nguyên là chiến sỹ lái xe mặt trận Điện Biên Phủ, được giao nhiệm vụ chở 12 tù binh về căn cứ an toàn, trong đó có Tướng Đờ Cát , sau khi quân ta giải phóng Điện Biên. Mấy năm gần đây tuy tuổi cao sức yếu nhưng ông và gia đình vẫn tham gia đầy đủ các hoạt động nhân đạo, từ thiện do Mặt trận Tổ quốc huyện và xã phát động. Hiện tại Diễn Lộc có quỹ khuyến học, đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, chất độc da cam hơn 200 triệu đồng. Về làm kinh tế có ông Ngô Như Tùy, ở xã Diễn Xuân, được bà con gọi với cái tên trìu mến "Ông Tùy Điện Biên " làm kinh tế giỏi. Năm 1993, khi cơ chế thị trường "bung ra", ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở xưởng mộc tại nhà, doanh thu mỗi năm hơn 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động. Các CLB Diễn Minh, Diễn Nguyên, Diễn Hoa, Diễn Hạnh, Diễn Thọ ngoài việc động viên nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống còn phối hợp với Hội Người cao tuổi ra tập san văn, thơ, duy trì tập thể dục dưỡng sinh, dành thời gian cho những việc làm vì quê hương, xứ sở, vì đồng đội mang tính xã hội nhân văn cao cả. Khi được Mặt trận Tổ quốc, Hội CCB huyện giao nhiệm vụ làm chủ biên hai cuốn sách văn thơ hồi ký Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn Uy, trưởng ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên huyện đã dày công tham mưu giúp huyện xây dựng thành công mạng lưới CLB chiến sỹ Điện Biên từ huyện đến xã, trực tiếp đến từng xóm vận động hội viên viết bài. Rồi biên tập, chỉnh sửa bản thảo, sưu tầm ảnh, thơ ca viết và chụp ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ. Chỉ trong 2 năm (2007 - 2009), hai cuốn sách viết về chiến sỹ Điện Biên Diễn Châu ra mắt bạn đọc, với 270 bài viết của 200 tác giả là những người trực tiếp chiến đấu ở Điện Biên. Sách được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư chúc mừng, thiếu tướng Hoàng Trọng Tình, nguyên Chủ nhiệm chính trị Quân khu 4 viết lời tựa. Trước đó, ông Uy đã dành hàng chục năm biên soạn "Lịch sử xã Diễn Xuân" từ khi có Đảng năm 1930 đến năm 2005, dày 199 trang, 75 bức ảnh nhân chứng và sự kiện. Nếu không có công lao của ông Uy thì thế hệ sau khó có thể hiểu được sự đổi thay của quê hương Diễn Châu, công lao xương máu đóng góp của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa.

Điều mừng hơn là đến thăm gia đình chiến sỹ Điện Biên nào ở Diễn Châu cũng thấy làm được nhà cửa khang trang, có cuộc sống ấm no hạnh phúc, con cháu học hành tiến bộ. Ông Nguyễn Văn Uy ở Diễn Xuân có 12 con cháu là giáo viên, các ông Nguyễn Văn Miêu (Diễn Xuân), ông Lê Văn Khâm (Diễn Cát) có 3 con trai là trung tá, thượng tá trong LLVT nhân dân. Hơn 100 gia đình chiến sỹ Điện Biên khác ở các xã Diễn Yên, Diễn Tân, Diễn Trung, Diễn Phú, Diễn Thành, Diễn Hồng, Diễn Trường, Diễn Kỷ, Diễn Thịnh, Diễn Nguyên, Diễn Hạnh trồng rừng, sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập mỗi năm từ 100 đến 400 triệu đồng/hộ/năm. Trong 3 năm xây dựng nông thôn mới (từ 2011 - 2013), cả 320 gia đình chiến sỹ Điện Biên Diễn Châu, đóng góp từ 20 đến 30 ngày công, từ 1,5 đến 2 triệu đồng để xây dựng các công trình phúc lợi, làm đẹp thêm miền quê yêu dấu.