Người 2 lần tham gia chiến dịch “Điện Biên”
04/06/2011
Nay đã bước vào tuổi 80 nhưng trong ký ức của người lính Cụ Hồ năm xưa vẫn vẹn nguyên những năm tháng hào hùng cầm súng đánh giặc. Và niềm tự hào lớn nhất của ông là hai lần tham gia chiến dịch Điện Biên: chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và trận “Điện Biên Phủ trên không” bảo vệ vùng trời Thủ đô Hà Nội năm 1972...
Ông là Nguyễn Văn Miêu (sinh năm 1932), quê Diễn Xuân, Diễn Châu. Tròn 20 tuổi, ông tòng quân lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn công binh F351 với nhiệm vụ mở đường, vận chuyển lương thực, vũ khí chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vào thời điểm ác liệt nhất, địch thất thủ ở Him Lam, Độc Lập nên điên cuồng cày xới đường vào mặt trận. Nhưng với tinh thần dũng cảm, kiên cường, lòng nhiệt huyết sẵn có, anh lính trẻ Nguyễn Văn Miêu cùng đồng đội luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ông nhớ lại: “Tham gia chiến dịch vào giai đoạn tập trung cho cuộc tổng công kích vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thời gian căng thẳng, nhiệm vụ nặng nề, ăn uống kham khổ nhưng chúng tôi không hề nao núng, luôn động viên nhau đào hào, mở đường cho quân ta thọc sâu vào hang ổ của địch.”
Sau chiến thắng Điện Biên, ông được cử đi học lớp bổ túc văn hóa công nông, trường sỹ quan chuyên ngành công binh. Năm 1960, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau khi học xong, ông được điều về công tác tại Công ty cao su Sao Vàng (Khu công nghiệp Thượng Đình-Hà Nội), được đề bạt làm Phó giám đốc kỹ thuật và phụ trách đội dân quân tự vệ của nhà máy. Thời gian công tác tại nhà máy liên tục 7 năm liền ông được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở vì có nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất.
Năm 1972, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cuộc không kích được đánh giá là khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại khi Mỹ sử dụng pháo đài bay chiến lược B52 ném bom hòng hủy diệt Thủ đô Hà Nội. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân trực tiếp chỉ thị cho các đơn vị toàn quân chủng, đặc biệt là 2 khu vực Hà Nội - Hải Phòng: "Tình hình rất khẩn trương, các đơn vị cần thực sự chuẩn bị cho bộ đội sẵn sàng chiến đấu, có kế hoạch tiếp tế đạn cho tên lửa, bảo đảm vũ khí trang bị sẵn sàng chiến đấu...”
Tiếp nhận chỉ thị, ông tập hợp lực lượng tự vệ của công ty, tham gia bảo vệ vùng trời thủ đô. 12 ngày đêm ngoan cường chiến đấu, đội tự vệ của Công ty cao su Sao Vàng dưới sự chỉ đạo của vị chỉ huy mưu trí, dũng cảm đã cùng quân và dân Hà Nội giành thắng lợi hoàn toàn. Năm 1973, ông vinh dự được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen về “Có nhiều thành tích trong hoạt động công tác tự vệ, bảo vệ vùng trời Thủ đô”.
Năm 1980, ông được điều chuyển về công tác tại Nhà máy cao su Nghệ Tĩnh đến năm 1991 thì nghỉ hưu. Ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen khác...
Dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn tích cực tham gia công tác đoàn thể ở địa phương: làm chủ nhiệm CLB Chiến sỹ Điện Biên Phủ xã Diễn Xuân, hội Người Cao tuổi, Hội khuyến học xóm 2...
Phúc Thanh