image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Góp ý vào dự thảo bộ luật hình sự (Sửa đổi)

Điều 4 , mục 4, (sđ) “Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cá nhân, tổ chức, khi họ tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm”. Nên bổ sung thêm: “Có hình thức biểu dương, khen thưởng thích đáng, cho tổ chức, cá nhân khi họ đấu tranh phòng chốn tội phạm có kết quả cao”.

Điều 7, mục 3, (sđ): “Điều luật xóa bỏ tội phạm…tăng nặng, hay giảm nhẹ…, có lợi cho tội phạm,…được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước điều luật đó có hiệu lực thi hành”. Diễn đạt hơi khó hiểu. Chỉ cần viết: Việc xóa bỏ tội phạm, hay một hình phạt, có lợi cho tội phạm, được áp dụng theo Luật.

Điều 17, mục 4: “Người đồng phạm không phải chụi trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”. Không được! Vì, đồng phạm là một thành viên của nhóm cướp chẳng hạn. Nhưng khi thực hành, một trong số đó làm chết người (Vượt quá ý định ban đầu), thì cả nhóm phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người, cướp của”.

Điều 18. Che dấu tội phạm (sđ), Điều 19. Không tố giác tội phạm (sđ) : Có ý chung, “Đối với những người là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, hoặc vợ chồng của người phạm tội…thì những đối tượng đó, không phải chịu trách nhiệm hình sự”. (Hiểu là: những đối tượng trên có hành vi “Che dấu tội phạm”, “Không tố giác...” là không có tội. Ở đây có 2 vấn đề cần bàn”:

*Luật hơi nghiêng về “ duy tình”, về đạo lý. Ai cũng thấy phải.

*Trong lúc đó, đã là “Luật” thì phải chú trọng “duy lý”.

“Duy tình” có khi lại mắc tội đồng phạm. Ít nhất cũng tạo ra nhiều chỗ vận dụng, khó cho xét xử. “Duy lý” thì không còn tính người. Khó thật! Chỗ này cần có văn bản dưới luật, hướng dẫn cụ thể thêm. Dẫu sao, đã là “Luật”, thì phải ưu tiên cho “Lý”

Điều 26. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy, hoặc của cấp trên (mới). “Hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên, trong lực lượng vũ trang nhân dân, liên quan đến vấn đề quốc phòng an ninh, và người thi hành mệnh lệnh đã thực hiện đầy đủ qui trình báo cáo người ra mệnh lệnh, cấp trên, nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải là tội phạm”. Có 2 khía cạnh cần làm rõ:

* Người thi hành mệnh lệnh biết rõ việc làm của mình chắc chắn gây “thiệt hại”, mà vẫn làm, thì phải liên đới chịu trách nhiệm, vì anh chấp hành mệnh lệnh “máy móc”. Ai đã vào trận thì biết: Chỉ huy chỉ ra lệnh trên cơ sở quyết tâm ban đầu. Đánh theo “Sa bàn” là có tính nguyên tắc. Trong thực tế, bộ đội có lúc phải sáng tạo và đánh khác “sa bàn”, nhưng phải đảm bảo thắng.

* Người chỉ huy mà không nghe phản ánh từ thực tế, cứ quyết theo cái ban đầu, gây hậu quả lớn, thì phải chịu trách nhiệm hình sự chứ. Vì anh mắc tội “quan liêu”. Nếu như Luật mở rộng đến cán bộ, công chức…thì càng phải xét từ 2 phía, mới thỏa đáng. Dĩ nhiên là phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể.

Điều 174. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (sđ)

Mục 1 “…Thiệt hại từ 50.000.000đ đến dưới 200.000.000đ, thì phạt tiền từ 01 đến 02 lần giá trị mất mát, hư hỏng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm. Mục 2.“…Thiệt hại từ 200.000.000đ đến dưới 500.000.000đ, thì phạt tiền từ 2 đến 5 lần giá trị tài sản, hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm”. Mục 3 “Thiệt hại từ 500.000.000đ trở lên phạt từ 7 đến 15 năm tù”. Góp như sau: Mục (1), (2) và nhiều Điều, Mục, khác nữa, không nên dùng chữ “Hoặc (Vì hoặc là chỉ chọn 1 trong 2). Phải áp dụng cả 2 loại: Bồi thường tài sản, và phạt tù. Chú trọng bồi thường, vì “của đau, con xót”. Bồi tiền, có tác dụng hơn bao lời giáo huấn. Mục 3, nên bổ sung phải “ bồi thường bằng tiền”, tùy mức độ. Không thì Nhà nước mất hai đầu mất lại: Mất tài sản vì người được giao vô trách nhiệm làm mất mát, hư hỏng, lại mất công cải tạo, giáo dục, nơi giam dữ. Tốn kém quá.

Điều 190. Tội sản xuất hàng giả (Tách từ Điều 156, sđ). Điều 195. Tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Tách từ Điều 157, sđ). Điều 190 viết: “Người sản xuất hàng giả bị phạt tiền từ 2 đến 5 lần giá trị hàng hóa tương đương với hàng thật…hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm”. Điều 195, mục (1) “Người nào buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh… thì phạt tù từ 2 đến 5 năm”. Xin bổ sung cho cả 2 Điều 190, 195: 1.Tịch thu tang vật; 2. Phạt tiền từ 2 đến 5 lần giá trị của hàng hóa, tương đương với hàng thật; 3. Phạt tù tùy mức độ. Cần áp dụng cả 3 hình phạt, vì nạn hàng giả, hàng nhái, hiện đang vô cùng nhức nhối.


Điều 261. Tội vi phạm qui định về tham gia giao thông đường bộ (sđ).

Mục 4 “Vi phạm qui định về an toàng giao thông đường bộ, mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nếu không được ngăn chặn kịp thời; (bổ sung thêm): Tội cố tình chở quá tải, từ 120% trở lên, làm hỏng đường, thu lợi bất chính, thì: 1.Buộc hạ tải; 2.Tịch thu số hàng quá tải; 3. Phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng; 4. Phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.(Áp dụng cả 4 hình phạt trên, mới mong ngăn chặn được xe quá tải băm nát và làm biến dạng mặt đường)

Chương XXIV. Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Từ Điều 367 đến Điều 384 (18 điều), nhưng không có ý nào nói: Cá nhân, tổ chức, do thiếu trách nhiệm mà xét xử oan sai, gây hậu quả nghiêm trọng.

Đề nghị bổ sung: Cá nhân, tổ chức do thiếu trách nhiệm, mà xét xử oan sai, gây hậu quả nghiêm trọng, phải truy cứu trách nhiệm hình sự, buộc cá nhân, tổ chức làm sai, phải bồi thường cho người bị hại, không dùng công quĩ Nhà nước. Đồng thời phải chịu phạt hình sự, theo luật định.

Ngô Trí Sỹ