Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Song, lấy cớ Việt Nam vẫn nằm trong khối Liên hiệp Pháp, thực dân Pháp tiếp tục can thiệp và đưa quân xâm lược nước ta một lần nữa. Do vậy, ở giai đoạn này, trên thực tế, Pháp vẫn thực thi quyền đại diện cho Việt Nam về đối ngoại và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ xứ “An Nam”, trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo đó, đầu năm 1947, Pháp chính thức phản dối sự chiếm đóng bất hợp pháp của Cộng hòa Trung Hoa (đại diện lúc này là chính quyền Tưởng Giới Thạch) ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và đề nghị giải quyết thông qua Trọng tài quốc tế nhưng không nhận được sự hợp tác của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Hơn thế, ngày 17-10-1947, Pháp đã phái thông báo hạm Tonkinois đến Hoàng Sa để yêu cầu quân đồn trú của Cộng hòa Trung Hoa rút khỏi Phú Lâm; đồng thời cử các phân đội vũ trang đóng đồn ở Hoàng Sa, Trường Sa và quyết định lập các đài khí tượng trên hai quần đảo này. Điều này đã được minh chứng khi năm 1949, Tổ chức Khí tượng thế giới đã chính thức công nhận và đưa các đài trên vào danh sách Trạm khí tượng quốc tế; trong đó trạm Phú Lâm, trạm Hoàng Sa (thuộc quần đảo Hoàng Sa) lần lượt mang các số hiệu 48859 và 48860, trạm Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa) mang số 48419. Đây cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng quốc tế công khai thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đáng lưu ý là ngày 01-10-1949, Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, buộc các đơn vị thuộc Cộng hòa Trung Hoa rút khỏi đảo Phú Lâm, trong khi đó liên quân Pháp – Việt vẫn duy trì sự đồn trú ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Mặt khác, với Hiệp ước Hạ Long (tháng 3-1949, Chính phủ Pháp đã chính thức chuyển giao quyền quản lý Nam Kỳ (trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Pháp tuyên bố chiếm hữu từ năm 1933) cho Quốc gia Việt Nam (Chính phủ Bảo Đại). Điều đó càng thêm khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam (Pháp chỉ là người đại diện trong một khoảng thời gian nhất định).
Đặc biệt, sau khi thực dân Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954) được ký kết; trong đó có quy định về ranh giới tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc là vĩ tuyến 17 (Điều 1); trong khi chờ đợi cuộc Tổng tuyển cử thống nhất, bên đương sự và quân đội do thỏa hiệp tập kết ở khu nào sẽ đảm nhiệm quản lý hành chính trong khu tập kết đó (Điều 14). Theo đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (đều nằm về phía Nam vĩ tuyến 17) sẽ đặt dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Thực hiện các điều khoản của Hiệp định, từ tháng 4-1956, khi quân viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội Việt Nam cộng hòa đã bắt đầu tiếp quản quyền quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Riêng đối với quần đảo Trường Sa, chính quyền Sài Gòn đã cử tàu hộ tống Trung Đông HQO4 do thuyền trưởng Trần Văn Phấn chỉ huy, ngày 22-8-1956 đã đổ bộ lên các đảo, thực hiện cắm cờ, dựng bia chủ quyền và bảo vệ quần đảo này.v.v.
Như vậy, việc thực thi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn 1945-1954 là liên tục, hòa bình và phù hợp với pháp luật quốc tế.
Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân số 4/2015