image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Cựu chiến binh người dân tộc Thổ làm giàu từ nuôi thỏ

Khắc phục khó khăn, tự học hỏi vươn lên, Cựu chiến binh (CCB) Trương Công Báo, xóm Long Thọ, xã Giai Xuân (Tân Kỳ) đã tiên phong trong phát triển kinh tế và làm giàu từ mô hình chăn nuôi thỏ.

Anh-tin-bai

CCB Trương Công Báo (người đội mũ) đang hướng dẫn cách chăm sóc thỏ.               

CCB Trương Công Báolà người dân tộc Thổ, năm 1984 lên đường nhập ngũ, đóng quân tại các tỉnh phía Bắc, đến năm 1988 xuất ngũ trở về địa phương. Khi lập gia đình riêng, cuộc sống rất khó khăn vì tất cả chỉ khởi nghiệp từ ít đất ruộng, rẫy được bố mẹ chia cho. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, không cam chịu đói nghèo, anh nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm tìm hướng thoát nghèo. Ban đầu anh chăn nuôi lợn, trâu bò để tạo thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Sau đó, anh mạnh dạn chuyển sang đầu tư nuôi thỏ, vì qua tìm hiểu thấy nuôi thỏ vốn đầu tư ban đầu nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Để chọn được giống thỏ tốt, anh lặn lội tìm đến huyện Yên Thành mua 20kg thỏ giống New Zealand về nuôi để gây đàn. Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc nên đàn thỏ sinh trưởng, phát triển tốt. Thức ăn hằng ngày anh cho thỏ ăn là: Ngô, cám, cỏ voi, cỏ gấu và các loại rau, mỗi ngày cho ăn 3 lần. Đến nay, đàn thỏ của gia đình anh thường xuyên có 50 con thỏ cái, 200 con thỏ thương phẩm. Trung bình 1 con thỏ mẹ trong 1 năm đẻ được 50 con. Bình quân mỗi năm gia đình anh bán ra thị trường hơn 1.200 kg thỏ thương phẩm, trừ các loại chi phí, thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Có nguồn thu nhập ổn định, gia đình anh có điều kiện cung cấp đầy đủ cho các con ăn học; xây được nhà khang trang, mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt. 

CCB Trương Công Báo chia sẻ: “Khi bắt tay vào làm cũng gặp không ít khó khăn do thiếu vốn cũng như kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn thỏ, nên lúc đầu nuôi thỏ cũng bị chết, gây thiệt hại về kinh tế. Không chịu thất bại, anh đi thăm quan các mô hình chăn nuôi thỏ có hiệu quả ở những nơi xa và tham gia các lớp tập huấn để tích lũy thêm kiến thức chăn nuôi. Nhờ vậy, từ vài chục con thỏ ban đầu, đến nay đàn thỏ của anh đã có trên 300 con, gồm cả thỏ bố mẹ, thỏ con và thỏ thịt.Thỏ New Zealand có nhiều ưu điểm như khả năng sinh trưởng, phát triển, sinh sản nhiều, năng suất cao, thịt thơm ngon và cân nặng tối đa có thể đạt tới 6kg/con. Tuy nhiên, vì thực hiện theo chuỗi liên kết nên khi thỏ được 2 kg là công ty đến thu mua. Bên cạnh đó, để giúp thỏ sinh trưởng và phát triển tốt nhất thì phải tiêm thuốc định kỳ và phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột, tẩy rửa chuồng trại hàng tuần để hạn chế dịch bệnh”.

Với kinh nghiệm nhiều năm thực hiện các mô hình chăn nuôi với nhiều loài động vật khác nhau, anh Báo đã tận dụng rất hiệu quả phế phẩm của các loại vật nuôi theo hướng khép kín. Phân thỏ dùng để nuôi trùn quế và bón cho cây trồng. Trùn quế dùng cho gà, cá, heo rừng lai ăn. Nhờ vậy trong khu vực chăn nuôi của gia đình tuy diện tích nhỏ nhưng đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bằng ý chí và nghị lực của Bộ đội Cụ Hồ, từ khó khăn anh Báo đã vươn lên có cuộc sống ổn định. Đồng thời, tích cực tham gia sinh hoạt và có nhiều đóng góp cho chi hội CCB ở xóm.

Ông Nguyễn Đình Thưởng - Chủ tịch Hội CCB xã Giai Xuân cho biết: “CCB Trương Công Báo không chỉ là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình, mà còn rất tích cực trong các phong trào, hoạt động tại địa phương. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, trong thời gian tới, Hội CCB xã tiếp tục chủ trương phối hợp với chặt chẽ với các cấp, ngành tạo điều kiện cho hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, nuôi gà thả vườn, tham gia sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap...”./.

                                                                         Bài và ảnh: Nguyễn Hường