image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Người con gái trực tiếp thờ Cha Mẹ và Anh trai liệt sĩ

Anh-tin-bai
Mười năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) tỉnh Nghệ An đã làm được rất nhiều việc có ý nghĩa. Hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gần 570 GĐLS, tặng hơn 13.900 suất quà, 459 sổ tiết kiệm, tổng cộng đã có 15.915 đối tượng được thụ hưởng tiền quà của Hội. Trong số hàng chục ngàn GĐLS đã gặp, nói chuyện trực tiếp, mỗi gia đình có hoàn cảnh riêng để lại cho chúng tôi bao nhiêu ấn tượng nỗi niềm….Trong số đó có trường hợp chị Hoàng Thị Bé, năm nay 60 tuổi, không chồng, không con, một mình ở vậy thờ cúng Cha Mẹ và Anh trai liệt sĩ Hoàng Kim Em. Chị kể về gia đình và bản thân.

 

Đại diện Hội HTGĐLS tỉnh và lãnh đạo UBND huyện Hưng Nguyên, xã Hưng Thành trao số tiền 80 triệu đồng cho chị Bé. 

          Một ngày cuối năm trời lạnh, chúng tôi về Xóm Lộc Điền, xã Hưng Thành, Hưng Nguyên, để trao số tiền 80 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho chị Hoàng Thị Bé, người trực tiếp thờ cúng liệt sĩ Hoàng Kim Em và cha mẹ.

          Chưa vào buổi lễ, tôi ngồi cạnh chị, chị nhỏ bé, có lẽ không đủ ấm do thời tiết nên thấy chị xanh và gầy hơn. Tôi hỏi về gia đình, chị nhỏ nhẹ trả lời: Nhà có 5 anh chị em, ba trai, hai gái. Anh Hoàng Kim Em là cả, sinh năm 1945- năm 20 tuổi anh đi thanh niên “3 Sẵn sàng” ( Thanh niên xung phong). Hết hạn trở về anh có người yêu, hai gia đình đã làm lễ ăn hỏi, chưa kịp làm đám cưới thì anh có lệnh nhập ngũ. Được hai năm thì anh hy sinh. Giấy báo tử gửi về gia đình cũng chỉ ghi hy sinh ở mặt trận phía Nam, phần mộ an táng ở nghĩa trang gần đơn vị đóng quân. Mặc dù nhiều năm gia đình đã liên lạc chắp nối với bạn bè, đồng đội nhưng chưa xác định được danh tính. Năm ngoái xã gọi lên để lấy mẫu sinh phẩm làm thủ tục xác định AND. Không biết kết quả thế nào, chỉ tiếc trước khi cha mẹ mất vẫn chưa biết phần mộ của anh ở đâu và hy sinh ở chiến trường nào. Còn anh thứ 2, Hoàng Kim Cường năm 18 tuổi cũng theo chân anh cả nhập ngũ. Chiến đấu và bị thương nặng, xếp loại thương binh 2/4. Về quê vất vả, một phần do vết thương, lại đau ốm lâu dài nên anh đã mất. Anh thứ 3 bị khuyết tật không đi được bộ đội ở nhà làm ruộng. Chị gái lấy chồng xa, còn em có lẽ khi sinh ra người nhỏ, gầy yếu nên cha mẹ đặt cho tên là Bé - Hoàng Thị Bé. Em không lấy chồng, sống với cha mẹ trong ngôi nhà thời chiến tranh phá hoại bị bom Mỹ đánh sập, tận dụng nguyên liệu dựng lại ở cho đến tận bây giờ.

          Ngồi một lúc tôi hỏi tiếp - Sao nhà xập xệ lâu đến thế mà nay mới làm, địa phương, anh em họ hàng không quan tâm giúp đỡ sao? Chị bảo: Nói không quan tâm cũng không đúng, nhưng nếu nhà nước có hỗ trợ 40 - 50 triệu đồng thì không thể làm được, còn anh em con cháu ai cũng khó khăn, thành thử buộc phải chấp nhận ở vậy, chống đỡ cho qua tháng ngày. Chỉ khổ khi mưa gió thì phải căng Ni lông che nơi dột, lo nhất là chỗ bàn thờ, còn nắng thì dịch giường qua chỗ khác. Cách đây mấy tháng như gặp duyên lành, em được chị Nguyễn Thi Cúc là hội viên Hội HTGĐLS tỉnh, Chị Cúc quê không ở đây, nhưng lấy chồng ở trong xóm. Mấy lần về chơi, chị có sang và nhìn thấy gia cảnh chị rất ngạc nhiên và ái ngại. Chị hứa sẽ cố gắng khâu nối, tìm mối liên hệ đề nghị Hội tỉnh, Hội Trung ương quan tâm giúp đỡ. Kết quả không lâu, chị Cúc thông báo đã có người vận động được 80 triệu đồng ủng hộ. Nghe tin em không kìm nổi nước mắt. Thắp hương báo với cha mẹ với anh liệt sĩ Hoàng Kim Em, thế là nhà mình đã có tiền hỗ trợ để làm nhà rồi. Hôm các bác đại hội, chị Cúc cho người về chở xuống nhận biển ủng hộ mà em không tin nổi.

          Tôi dạo quanh một vòng quan sát từ trong ra ngoài, nhà đang xây dở bằng hai ba loại gạch, nhưng chủ yếu là gạch Táp lô, mấy hàng trên và cột đỡ được chạy thêm mấy lối gạch nung. Tốp thợ thấy tôi cũng nói: Anh em chúng cháu cố gắng tận dụng tối đa vật liệu cũ để tiết kiệm cho chị Bé, chị bảo vậy mới đủ tiền, còn nền nhà chắc phải láng xi măng, chứ không đủ tiền để mua gạch men lát bác ạ. Hỏi chị, hằng tháng chị có chế độ gì không, chị bảo một tháng được 540 ngàn đồng tiền khuyết tật nhưng cũng mới có. Hằng ngày nuôi thêm mấy con gà, trồng rau trong vườn, một năm chỉ có ngày lễ tết Nhà nước có quà cho thân nhân liệt sĩ và tiền hương khói thờ cúng liệt sĩ, một mình đắp đuổi cũng qua. Rồi chị nói, tết này chắc chắn em đã ở trong ngôi nhà mới, tuy không cao sang nhưng hơn cả giấc mơ, từ nay về sau sẽ không còn nơm nớp lo sợ cứ đến mùa mưa bão, ở trong nhà sợ nhà sập lúc nào không biết. Những lúc như vậy cứ tối tối ăn xong, nhét vội bộ quần áo vào túi chạy sang nhà bên ngủ nhờ, sáng dậy nhìn nhà thấy chưa đổ là về lau chùi quét dọn. Nói chuyện chị như vui hơn, chị nêu dự định sẽ dành ít tiền để thay mới bàn thờ cho tươm tất, một bộ bàn ghế ngồi để tiếp khách chừng đó cũng đủ an ủi động viên em sống vui, có sức khoẻ hơn… Rồi chị chùng xuống nói: Chỉ tiếc rằng, đến giờ anh trai liệt sĩ một tấm di ảnh để thờ cũng không có, bởi thời chiến tranh phá hoại bom bỏ sập nhà đồ dùng cũng mất mát, thất lạc. Chị bảo: Nơi suối vàng cha mẹ và anh của Em sẽ ấm lòng, biết ơn và sẽ phù hộ cho các bác, cho chị Cúc và người đã kêu gọi tiền giúp đỡ em sống vui, khoẻ, gặp nhiều may mắn, tiếp tục có nhiều hoạt động giúp đỡ các GĐLS có hoàn cảnh như em.

          Khi phát biểu cảm ơn, Bí thư Đảng ủy xã cũng hứa sẽ vận động bà con lối xóm, đoàn thể có công giúp công có của giúp của để ngôi nhà của chị Bé thực sự trở thành là ngôi nhà tình nghĩa.

Đoạn kết : Người mà chị Bé nhắc mấy lần, đã cảm thông với hoàn cảnh của gia đình. Mặc dù chưa tận mắt nhìn thấy, chỉ qua ảnh chụp đã nhiệt tình, thành tâm trực tiếp kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp số tiền 80 triệu đồng để giúp chị Bé, trao biển ủng hộ cho chị Bé tại Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2024 – 2029 của Hội HTGĐLS tỉnh Nghệ An, người đó là chị Nguyễn Thị Thanh Bích, chị cũng quê Nghệ An là vợ của Trung tướng Hoàng Khánh Hưng - Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam ./.

                                                    Bài và ảnh: Nguyễn Tiến Hùng