PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, BÓP MÉO CHỦ TRƯƠNG TINH GỌN BỘ MÁY CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Trong bối cảnh
đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, chủ trương tinh gọn bộ máy
công chức, viên chức không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là một bước đi chiến
lược nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, không
ít kẻ lợi dụng tâm lý lo lắng của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức để
xuyên tạc, bóp méo sự thật, cho rằng tinh giản biên chế là “sa thải hàng loạt” hay “giảm số lượng mà không nâng cao chất lượng”.
Những luận điệu này cần được nhìn nhận đúng đắn và phản bác một cách kịp thời,
bởi tinh gọn bộ máy chính là chìa khóa để xây dựng một nền hành chính chuyên
nghiệp, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
Không khó để
nhận thấy hệ thống hành chính nhà nước hiện nay tồn tại nhiều bất cập. Tình trạng
cồng kềnh, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, địa phương đã gây ra
sự lãng phí lớn về nhân lực và ngân sách. Không ít cơ quan xuất hiện tình trạng
“sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, cán bộ
dư thừa nhưng công việc trì trệ, trong khi Nhân dân vẫn phải chờ đợi để được giải
quyết thủ tục hành chính.
Tinh gọn bộ
máy là một bước đi tất yếu, nếu Việt Nam muốn xây dựng một chính quyền kiến tạo,
phục vụ Nhân dân. Một bộ máy nặng nề, kém hiệu quả không phải là dấu hiệu của sự
lớn mạnh mà là rào cản của sự phát triển. Đảng và Nhà nước đã xác định rõ mục
tiêu tinh giản biên chế không phải để “đẩy
người lao động vào đường cùng” mà là cơ cấu lại, loại bỏ những vị trí trung
gian không cần thiết, đồng thời tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức có
năng lực phát huy hết khả năng của mình. Điều đáng lưu ý là chủ trương tinh giản
biên chế luôn đi kèm với các chính sách hỗ trợ thỏa đáng. Những cán bộ, viên chức
không đáp ứng yêu cầu công việc sẽ được bố trí công tác khác phù hợp hoặc giải
quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi với đầy đủ quyền lợi. Cơ hội học tập, đào tạo
lại và chuyển đổi nghề nghiệp cũng được mở rộng, đảm bảo quyền lợi chính đáng
cho người lao động.
Trong khi chủ
trương tinh giản biên chế đang được triển khai quyết liệt, một số cá nhân và tổ
chức đã lợi dụng để đưa ra những luận điệu thiếu thiện chí như: Tinh giản biên
chế làm gia tăng thất nghiệp, khiến nhiều người mất việc; cắt giảm, nhưng bộ
máy vẫn hoạt động trì trệ, không có chuyển biến rõ rệt. Đây là biện pháp mang
tính hình thức, chỉ tạo ra sự hoang mang trong đội ngũ cán bộ, công chức. Những
lập luận này không chỉ phiến diện mà còn đi ngược lại lợi ích của đất nước.
Thứ nhất, tinh gọn bộ máy không làm tăng
tỷ lệ thất nghiệp như các luận điệu sai trái thổi phồng. Ngược lại, đây là cơ hội
để sắp xếp lại nguồn nhân lực, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Những
cán bộ, công chức có năng lực thực sự sẽ không lo ngại trước chính sách này, bởi
họ là nhân tố được giữ lại và trao cơ hội thăng tiến. Tinh giản biên chế không
phải là “cắt ngọn” mà là sàng lọc, để
đội ngũ cán bộ thực sự tinh nhuệ, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm.
Thứ hai, hiệu quả của tinh giản biên chế
đã được chứng minh rõ ràng qua thực tiễn. Nhiều địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng,
Bình Dương đã mạnh dạn sáp nhập các cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối trung gian và
đạt được những kết quả tích cực. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính được
rút ngắn, người dân hài lòng hơn khi không còn tình trạng “hành là chính”.
Thứ ba, luận điệu cho rằng tinh giản
biên chế chỉ là “hình thức” là hoàn
toàn sai lệch. Nếu nhìn vào quá trình triển khai, có thể thấy rõ sự quyết liệt
và đồng bộ trong từng bước thực hiện. Cán bộ, công chức không đủ năng lực, thiếu
trách nhiệm đã buộc phải rời khỏi bộ máy, đồng thời đội ngũ trẻ, có trình độ được
bổ sung, thay thế. Đây là sự đổi mới thực chất, không chỉ dừng ở việc “giảm người” mà còn tập trung nâng cao
chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị.
Sau 5 năm thực
hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cả nước đã cắt giảm
hơn 10% biên chế công chức và trên 7% biên chế viên chức, tiết kiệm hàng nghìn
tỷ đồng cho ngân sách. Đáng chú ý, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành
chính đã được nâng cao, bộ máy vận hành trơn tru hơn, tạo điều kiện thuận lợi
cho phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Quảng Ninh là ví dụ tiêu biểu khi giảm được
hàng nghìn cán bộ nhưng hoạt động quản lý nhà nước vẫn được đảm bảo, thậm chí
hiệu quả tăng cao. Thay vì 14 - 15 phòng, ban tại các sở, ngành trước đây, Quảng
Ninh chỉ giữ lại từ 8 - 9 phòng, ban, giảm hằng trăm lãnh đạo cấp phó, tiết kiệm
hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Tinh giản
biên chế không phải là giải pháp mang tính thời điểm mà là nhiệm vụ lâu dài,
đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm chính trị cao. Việc xuyên tạc chủ trương này
không chỉ là sự vô trách nhiệm mà còn là hành động đi ngược lại lợi ích dân tộc.
Như vậy, tinh gọn bộ máy công chức, viên chức là lựa chọn đúng đắn, tất yếu và
cần sự ủng hộ của toàn xã hội. Mọi luận điệu xuyên tạc đều không thể làm lung
lay quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong bối cảnh hiện tại, đây là hướng
đi đúng đắn và phù hợp để Việt Nam xây dựng một chính quyền liêm chính, phục vụ,
đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Bài: Quang Minh