image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Người chống “giặc nội xâm” mong muốn nhất điều gì?

Trong bối cảnh vấn nạn tham nhũng được xác định là một trong những nhân tố gây nên nhiều bất ổn cho xã hội, việc khen thưởng, vinh danh những người dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng là hết sức cần thiết. Một mặt, vừa thể hiện quyết tâm của các cấp, các ngành trong công cuộc chống giặc “nội xâm” đầy cam go, phức tạp, mặt khác vừa khuyến khích, cổ vũ, lan tỏa những tấm gương dám đấu tranh vì sự minh bạch, trong sạch trong bộ máy công quyền hiện nay.

Thông tư đã quy định rõ, đối tượng được khen thưởng là những cá nhân lập thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng và cộng tác với cơ quan chức năng xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước. Có 3 hình thức khen thưởng: Huân chương Dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương. Ngoài mức thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng, người lập thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng còn được thưởng từ Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý với các mức: Huân chương Dũng cảm thưởng bằng 60 lần mức lương cơ sở (trên 60 triệu đồng), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thưởng bằng 40 lần mức lương cơ sở (trên 40 triệu đồng), Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương thưởng bằng 20 lần mức lương cơ sở (trên 20 triệu đồng). Trong trường hợp người tố cáo hành vi tham nhũng giúp thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì được xét thưởng vượt mức quy định trên đây nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở (tương đương 3,4 tỷ đồng).

Mức khen thưởng nêu trên có thể xem là “cú hích” lớn về tinh thần đối với những người dám đứng ra tố cáo hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế là, khi đã dám đứng lên đấu tranh vạch rõ cái xấu, bảo vệ lẽ phải, lợi ích cho cộng đồng, tập thể, chắc hẳn những con người dũng cảm không vì mục đích được vinh danh, không vì mong sẽ được thưởng một khoản tiền nào đó.

Mong muốn lớn nhất của họ là những kẻ “sâu mọt” sẽ bị đem ra ánh sáng, bị trừng trị nghiêm minh trước pháp luật, tài sản của nhà nước được thu hồi, công bằng xã hội được bảo đảm. Một trong những tác nhân khiến công cuộc phòng chống tham nhũng thời gian qua gặp không ít khó khăn đó là người tố cáo tham nhũug rơi vào tình cảnh đơn độc, bị trù dập, sa thải thậm chí bị trả thù, bản thân và gia đình phải chịu nhiều thiệt thòi, nguy hiểm. Do đó, bên cạnh việc khen thưởng, tôn vinh, nhân rộng những điển hình chống tham nhũng, điều quan trọng là các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có những cơ chế, giải pháp hữu hiệu, kịp thời nhằm bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Làm được diều này, sẽ góp phần giữ vững niềm tin vào công lý đối với bản thân họ, đồng thời, tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng.

Bùi Minh Tuấn