BÁC HỒ VỚI SỰ RA ĐỜI CỦA ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN
Năm 1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người cho xuất bản báo “Lính cách mệnh” số báo đầu tiên ra đời vào tháng 2/1927. Ban biên tập báo “Lính cách mệnh” gồm Hồ Chí Minh (Trưởng ban), Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm. Nội dung chính của báo là giới thiệu quan điểm bạo lực cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, hướng tới việc xây dựng một đội quân cách mạng lấy công nông và các chiến sĩ yêu nước làm nòng cốt. Có thể coi “Lính cách mệnh” là tờ báo tiền thân của Báo Quân đội nhân dân hiện nay. Tiếp đó, đầu năm 1928, Người viết tác phẩm đầu tiên về lĩnh vực quân sự với nhan đề “Công tác quân sự của Đảng trong nông dân”. Sau đó, Người viết tiếp 3 tác phẩm về quân sự: “Cách đánh du kích”, “Kinh nghiệm du kích Tàu”, “Kinh nghiệm du kích Nga”nhằm nói về tổ chức và hoạt động của du kích trong tiến trình cách mạng.
Đ/c Võ Nguyên Giáp đọc lời tuyên thệ trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân 22.12.1944
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời. Đảng đã thông qua Cương lĩnh chính trị, trong đó có nội dung quan trọng là “phải tổ chức ra quân đội công nông”.
Đầu năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Cuối năm đó, Người chỉ thị cho Tỉnh ủy Cao Bằng thành lập Đội du kích, trong đó một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đội là “Đội là nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang sau này”. Tỉnh ủy Cao Bằng đã tổ chức ra Đội du kích Pắc Bó, lúc đầu có 12 đội viên do đồng chí Lê Quảng Ba làm Đội trưởng. Người đã viết giáo trình huấn luyện cho Đội và trực tiếp hướng dẫn quân sự cho Đội. Dần dần, Đội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tổ chức ra các Đội vũ trang khác trong một số huyện thuộc tỉnh Cao Bằng. Hoạt động của Đội du kích Pắc Bó và các Đội vũ trang khác đã để lại ấn tượng tốt trong lòng nhân dân các dân tộc ở Cao Bằng về một đội quân cách mạng kiểu mới, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Sự hoạt động của Đội cũng đem lại những kinh nghiệm và bài học quý báu cho việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân sau này.
Tháng 5/1944, Người viết cuốn “Chiến thuật du kích”gồm 13 chương, trong đó giới thiệu những vấn đề cơ bản của chiến tranh du kích (mục đích, cách bố trí lực lượng, phương thức hoạt động, chiến thuật,..), đồng thời, Người nói rõ rằng tư tưởng chiến lược của quân sự cách mạng là tiến công, luôn luôn tiến công và Người kết luận: “Biết đánh du kích thì thế nào cũng thắng lợi”. Tiếp đó, cuối tháng 10/1944, Người trực tiếp đến kiểm tra tại Đại đội tự vệ vũ trang Hồng Phong (thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Tại đây, Người đã phân tích rằng chúng ta phải thực hiện phương châm kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, trong đó phải coi trọng chính trị hơn quân sự và phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào cách mạng. Theo tinh thần đó, đầu tháng 12/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị thành lập Đội lực lượng vũ trang tập trung và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thực hiện Chỉ thị này. Về tên đội và phương châm hoạt động của Đội, Người chỉ rõ: “Tên của Đội là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”.
Về tổ chức lực lượng của Đội, Người nhấn mạnh:“Sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn số cán bộ và đội viên kiên quyết nhất hăng hái nhất để lập ra đội chủ lực, đồng thời phải có một số vũ khí”. Người nói rõ:“Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để thành lập mộtđội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực có nhiệm vụ dìu dắtlực lượng vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được”.
Về quan hệ với lực lượng vũ trang địa phương, bản Chỉ thị vạch rõ: “Phải đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, đồng thời đưa các cán bộ đã được huấn luyện về các địa phương trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến”.
Về chiến thuật:“Phải vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây”.
Bản Chỉ thị nhấn mạnh: “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ thù không thể nào tiêu diệt được. Tổ chức Đội phải lấy Chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo”.
Đồng chí Trường Chinh đã đánh giá cao Bản Chỉ thị: “Bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo là một tài liệu ngắn gọn, súc tích, có tính chất Cương lĩnh quân sự của Đảng ta, bao gồm những vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng như kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang và phương châm xây dựng ba thứ quân của lực lượng vũ trang... Có thể nói việc ban hành Bản chỉ thị đó là dấu mốc lịch sử trọng đại của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Chấp hành Chỉ thị đó, vào lúc 17 giờ ngày 22/12/1944, lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được tổ chức trong khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng).
Như vậy có thể nói sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là một bước ngoặt lịch sử trên con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Quá trình chuẩn bị thành lập, quá trình hình thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ chí Minh là người đã có quyết định khai sinh, tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam. Công lao của Người thật là to lớn.
Lê Dung