Kỷ niệm sâu sắc trong Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đại tá, CCB, Anh hùng LLVTND Trần Hữu Bào
Đại tá, Cựu chiến binh (CCB), Anh hùng LLVTND
Trần Hữu Bào, sinh năm 1950, quê ở xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, nguyên Chủ nhiệm
Chính trị Sư đoàn 968, Quân khu 4. Năm 17 tuổi (12/7/1967) ông lên đường nhập
ngũ, được biên chế vào
c5,
d8, e66, f304, tham gia chiến dịch giải phóng Khe Sanh, thuộc huyện Hướng Hóa,
tỉnh Quảng Trị (năm 1968). Kỷ niệm sâu sắc của ông trong Cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước là “45 ngày chốt giữ cao
điểm 595”.
Theo lời kể của Đại tá, CCB, Anh hùng LLVTND
Trần Hữu Bào. Đầu năm 1968, Khe Sanh - Hướng Hóa, trở thành tâm điểm, được cả
thế giới chú ý, theo dõi khi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở
Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Không chỉ đội ngũ cố vấn quân sự của Mỹ ở Sài
Gòn, mà ngay cả những chuyên gia quân sự hàng đầu của nước Mỹ cũng bị “mất phương
hướng” khi cho rằng sẽ có một “Điện Biên Phủ khác” ở Khe Sanh.
Thung lũng Khe Sanh
nằm ở vùng rừng núi heo hút phía Tây Quảng Trị, được xác định là một trong
những địa bàn chiến lược ở khu vực giáp ranh giới tuyến quân sự tạm thời. Năm
1966, tại khu vực Nam vĩ tuyến 17 đến Đường 9 - Khe Sanh, Mỹ đã cho xây dựng
tuyến phòng thủ, lấy tên là hàng rào điện tử McNamara.
Ở vị trí “mỏ neo” khu vực ngã ba biên giới, Khe
Sanh được định vị là một trong ba “mắt
thần” của hàng rào điện tử McNamara, nơi Mỹ tập trung xây dựng một Tập đoàn
cứ điểm mạnh, gồm Chi khu quân sự Hướng Hóa, Cụm cứ điểm Làng Vây và sân bay Tà
Cơn, được trang bị đầy đủ các loại vũ khí hiện đại, tối tân nhất lúc bấy giờ,
với nhiều hệ thống công sự dày đặc có sự yểm trợ bằng máy bay B52, cùng với đội
quân tinh nhuệ nhằm cắt đứt tuyến chi viện của ta trên tuyến đường mòn Hồ Chí
Minh, ngăn chặn quân ta từ Bắc vào, từ Lào sang và làm tấm bình phong che chắn
cho khu vực phòng thủ của chúng ở phía Đông đường 9.
Tà Cơn là căn cứ quân sự có kết cấu hoàn chỉnh của địch, bao
gồm sân bay, sở chỉ huy trung tâm, hệ thống tiếp tế, thông tin liên lạc đầy đủ.
Điểm cao 595 trước đó do địch chiếm
đóng, nằm giữa các điểm cao 832, cao điểm 689, cao điểm 500, phía tây bắc của
sân bay Tà Cơn khoảng một cây rưỡi, trên con đường này, hằng ngày bọn Mỹ thường cho
xe tăng yểm hộ xe vận tải chở hàng tiếp tế tới sây bay Tà Cơn. Nhưng sau đó bị ta vây ép, chúng buộc phải rút chạy về trung
tâm cứ điểm Tà Cơn. Ngay khi ta chiếm cao điểm, Trần
Hữu Bào, cùng đơn vị Tiểu đội 3, Trung đội 1, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung
đoàn 66, Sư đoàn 304, được giao nhiệm vụ nhanh chóng chốt giữ cao điểm 595,
đánh tiêu diệt quân Thủy quân lục chiến Mỹ, chặn đường tiếp
tế và hạn chế máy bay vận tải của địch xuống sân bay.
Để chốt giữ điểm cao, đơn vị đã bố trí lực
lượng: Mỏm 1 thấp bố trí Tiểu đội 1 và Tiểu đội 2, Tiểu đội 3 chốt giữ; mỏm 2
cao hơn mỏm 1, được bố trí hai hầm chữ Y ở cửa hầm, có hố
đứng bắn, cảnh giới quan sát phát hiện địch. Trung đội có hỏa lực B41, Tiểu đội
có hỏa lực B40, Đại đội có hỏa lực cối 60, Đại đội 5 giữ chốt được sự chi viện
của Đại đội 8 cối 82 và hai Đại đội cơ động là Đại đội 6 và Đại đội 7.
Bản thân ông (Bào), được giao nhiệm vụ giữ
súng hỏa lực B40 và súng AK và 3 cơ số lựu đạn, Tiểu đội 3 do đ/c Phạm Nhất
Linh - Phó Trung đội trưởng trực tiếp chỉ huy, trang bị súng AK, đ/c Bút Tiểu
đội trưởng, trang bị súng AK, đ/c Thúy chiến sĩ trang bị súng trung liên, đ/c
Thứ Tiểu đội phó trang bị súng AK.
Nhiệm vụ của đơn vị giữ vững cao điểm 595 với
quyết tâm cao “Còn người còn trận địa”,
tiểu được quán triệt cách đánh, chờ địch vào gần 10 - 15m mới nổ súng, làm cho
địch bất ngờ, địch bị sát thương cao mà vẫn giữ bí mật được lực lượng của ta.
Từ khi lên giữ chốt, các chiến sĩ trực thay
nhau canh gác 24/24 tiếng trong ngày. Ngày và đêm bị máy bay, pháo cối của địch
từ sân bay Tà Cơn bắn ra liên tục, cao điểm 595 bị bom đạn cày xới, ban ngày
không đi lại được, các hoạt động đều diễn ra ban đêm. Cuộc sống của anh em trên
chốt ăn cơm nắm, uống nước không đủ, không tắm, quần áo nhờ anh nuôi mang về
sau giặt rồi mang lên. Khi hành quân chiếm lĩnh trận địa và giữ chốt, đơn vị bị
thương và hy sinh 45 đ/c.
Trận địa chốt của Tiểu đội 3 được bố trí hai
hầm chữ Y, bố trí hai bên đường tăng của địch, có thể quan sát phát hiện địch
từ sân bay Tà Sơn đánh vào chốt. Hầm bên trái gồm có đ/c Linh Phó Trung đội
trưởng, đ/c Bút Tiểu đội trưởng, đ/c Thúy chiến sĩ trung liên. Hầm bên phải đ/c
Thứ Tiểu đội trưởng và ông (Bào) chiến sĩ.
Ngày 06/4/1968, đã là ngày thứ 45 làm nhiệm vụ
chốt giữ ở điểm cao 595, trận địa chốt của đơn vị thường xuyên bị máy bay ném
bom, pháo cối từ sân bay Tà Cơn bắn ra liên tục, vô cùng căng thẳng.
Trước đó hai tuần, một Đại đội Thủy quân lục
chiến Mỹ đánh vào mỏm 1 do Tiểu đội 1 và Tiểu đội 2 chốt giữ, bọn địch bị tiêu
diệt 23 tên.
Sáng hôm ngày 06/4/1968, như thường lệ, đ/c
Linh Phó Trung đội trưởng và đ/c Bút đi kiểm tra, nhắc nhở các đồng chí trong
tiểu đội, đ/c Linh nhận định. Tối hôm qua và sáng nay, địch bắn pháo cối ít hơn
những ngày trước, đề phòng địch tấn công vào chốt, các đồng chí ăn sáng xong,
tất cả chuẩn bị thật chu đáo để đánh địch, đạn lên nòng, lựu đạn mở nắp bảo
hiểm và tăng cường quan sát phát hiện địch từ xa, từ phía sân bay Tà Cơn ra.
Khoảng 9 giờ sáng, máy bay ném bom vào trận
địa, sau đó pháo cối từ sân bay Tà Cơn bắn vào trận địa dồn dập hồi lâu, cả Tiểu
đội vẫn an toàn, tăng cường quan sát, đơn vị đã phát hiện bọn Thủy quân lục
chiến Mỹ đang tiến vào trận địa chốt. Khi chúng tiến vào cách chốt khoảng hơn
100m, chúng dừng lại triển khai hỏa lực đi cùng bắn dồn dập vào trận địa, cả Tiểu
đội quan sát phát hiện địch từ dưới dốc đi lên, đ/c Linh và đ/c Bút động viên
anh em bình tĩnh, chờ chúng vào thật gần 10 - 15m ném thủ pháo và lựu đạn, sau
đó bắn trung liên và AK để tiêu diệt, địch tiến vào phía hầm bên trái do đ/c
Linh chỉ huy, cả tổ nổ súng, tốp đi đầu đã bị tiêu diệt.
Trước cửa hầm ông (Bào) có hố bom, bọn Mỹ
hoảng hốt nhảy xuống có 10 tên, ông ném quả lựu đạn chúng bị tiêu diệt hết, khi
Tiểu đội nổ súng, hỏa lực của cấp trên bắn chi viện trúng đội hình của địch,
gây cho chúng nhiều thương vong, đội hình của địch rối loạn, tên chỉ huy la hét,
thúc lính đánh lên, nhưng bị Tiểu đội dùng trung liên và tiểu liên bắn tiêu
diệt phải lùi ra sau. Chúng lùi ra sau củng cố lực lượng, dùng hỏa lực bắn vào
trận địa, đ/c Thúy chiến sĩ trung liên bị thương nặng, đ/c Bút Tiểu đội trưởng
bị thương.
Sau khi dùng hỏa lực bắn vào trận địa, quân
địch tấn công vào trận địa một lần nữa, nhưng đều bị Tiểu đội tiêu diệt phải
bật ra, buổi chiều chúng rút về sân bay Tà Cơn. Đêm hôm đó sửa chữa lại công sự
trận địa, Tiểu đội 3 họp rút kinh nghiệm chiến đấu ngay, cả Tiểu đội đã lập
công lớn. Đ/c Linh diệt 25 tên địch, đ/c Bút diệt 5 tên, đ/c Thứ diệt 8 tên,
đ/c Thúy diệt 17 tên, đ/c Bào diệt 10 tên. Tất cả là 65 tên.
Vũ khí ta thu được hai súng phóng lựu đạn, 1
súng đại liên, 11 khẩu AK 15 và nhiều lựu đạn mỏ vịt.
Tối hôm đó, đ/c Đợi Tiểu đội trưởng lên thay
đ/c Bút Tiểu đội trưởng, đ/c Phiệt chiến sĩ trung liên thay đ/c Thúy, Tiểu đội
có 5 đ/c. Theo nhận định của trên, ngày mai địch có thể tấn công quy mô lớn hơn,
trận đánh diễn ra ác liệt đ/c Linh Phó Trung đội trưởng động viên Tiểu đội
quyết tâm chiến đấu cao “còn người còn
trận địa”. Cương quyết giữ điểm cao 595 đến cùng, tiêu diệt địch, thu vũ
khí, đợi địch vào gần mới nổ súng, đánh cả địch ở dưới đất và trên trời.
Sáng ngày 07/4/1968, khi sương mù vừa tan, máy
bay, pháo cối dồn dập đánh vào cao điểm 595, trận địa của Tiểu đội bị pháo cối
cày xới, các đồng chí không ai bị thương, đ/c Linh trực tiếp kiểm tra, nhắc nhở
anh em quan sát phát hiện địch từ xa, súng lên đạn, lựu đạn mở chốt an toàn,
nhớ chờ địch vào thật gần mới nổ súng.
Khoảng hơn 9 giờ sáng, sau khi hỏa lực của
địch bắn vào trận địa, quân địch tấn công vào chốt số lượng đông hơn hôm trước,
cả Tiểu đội đồng loạt ném lựu đạn, bắn súng trung liên và AK, số đi đầu bị chết
và bị thương rất nhiều, khi Tiểu đội nổ súng, có sự chi viện của hỏa lực cối
60, cối 82 bắn trúng đội hình quân địch, chúng la hét ầm ĩ. Sau đó, chúng dùng
hỏa lực bắn vào chốt, đ/c Phiệt chiến sĩ trung liên hy sinh, đ/c Đợi, đ/c Linh
bị thương.
Khi quân địch lùi ra phía sau, ông (Bào) bò
sang hầm đ/c Linh, đ/c nói Tổ bên này hy sinh 1, bị thương 2, đ/c nhanh chóng
trở về hầm, cùng đ/c Thứ đánh địch bảo vệ thương binh và giữ vững chốt.
Khoảng hơn 11 giờ, quân địch tổ chức tấn công,
bị Tiểu đội dùng lựu đạn, súng AK, hỏa lực cối 60, cối 82 của Đại đội và Tiểu
đoàn chi viện tiêu diệt được nhiều địch.
Buổi chiều, khoảng hơn 16 giờ, quân địch bắn
hỏa lực vào trận địa và dùng bộ binh đánh vào chốt, nhưng bị đánh trả không thể
chiếm được chốt, tên chỉ huy hò hét, đốc thúc lính xông lên, nhưng đã bị Tiểu
đội bắn tiêu diệt. Càng về chiều tối sương mù dày đặc, quân địch bò lên kéo xác
những tên chết và bị thương, ông và anh em tiếp tục dùng AK tiêu diệt thêm
nhiều tên nữa.
Kết thúc 45 ngày chốt giữ cao điểm 595, ngày 6
và 7/4/1968 trực tiếp đánh nhau với lính Thủy quân lục chiến Mỹ. Với sự bí mất,
bất ngờ, mưu trí, tạo bạo, đánh gần, đánh hiểm và ý chí kiên cường, chấp hành
nghiêm chỉ thị mệnh lệnh của cấp trên, không sợ gian khổ hy sinh, Tiểu đội 3
của ông (Bào) đã tiêu diệt 205 tên Mỹ, bản thân ông (Bào) tiêu diệt 78 tên.
Tiểu đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tặng Huân chương Quân công hạng Ba, cá
nhân ông (Bào) được tập thể bình xét tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày
25/8/1970, được Nhà nước tặng danh hiệu anh hùng LLVTND.
Khi được hỏi? Qua câu chuyện này, ông (Bào) là
người đã trực tiếp tham gia chiến đấu, lập được những thành đặc biệt tích xuất
sắc và đã từng giữ các cương vị lãnh đạo, chỉ huy trong Quân đội, ông rút ra được
điều gì cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sau này. Ông Trần Hữu Bào nói: Những gì
tôi kể trên, cũng chính là những điều tôi đã muốn nhắn nhủ thế hệ sau này trong
chiếu đấu, đó là yếu tố: “Bí mất, bất
ngờ, mưu trí, tạo bạo, đánh gần, đánh hiểm và ý chí kiên cường, chấp hành
nghiêm chỉ thị mệnh lệnh của cấp trên, không sợ gian khổ hy sinh”. Ông nói
thêm: “Yêu nước trong thời kỳ đất nước có
chiến tranh, nó thể hiện ở việc căm thù giặc, rồi thì dám hy sinh, xung phong
lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu, giải phòng đất nước. Thế hệ trẻ bây giờ,
có điều kiện hơn, phải làm thể nào để góp sức của mình, cống hiến, xây dựng đất
nước, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”./.
Bảo Nam