image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Đường đến trận đánh cuối cùng (Chiến dịch Hồ Chí Minnh lịch sử)

Từ Nghĩa Đàn (nay là thị xã Thái Hòa) chúng tôi. Năm 1974 sau khi tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, chúng tôi nô nức lên đường nhập ngũ. Tháng 10 năm đó, trời mưa ròng rã, dòng sông Hiếu ngập mênh mông. Từ làng Đong, chúng tôi qua sông bằng những chiếc đò dân sinh, tập kết tại bến xe Nghĩa Đàn. Bắt đầu chặng đầu tiên vào Nam chiến đấu, giải phóng Miền Nam. Xe chở chúng tôi đến thành phố Vinh; từ đó hành quân đường bộ qua huyện Hưng Nguyên vào Hà Tĩnh. Trời vẫn mưa to kéo dài, lại vượt sông Lam bằng đò. Điểm tập kết của chúng tôi, là xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn, đơn vị đầu tiên của chúng tôi, là Đoàn 22, Quân khu 4. Năm đó, do mưa lũ kéo dài nên sông ngàn sâu nước ngập dâng cao; kỷ niệm đầu tiên của tôi là: Đêm đó trắng đêm cùng Nhân dân sơ tán chạy lụt.

Được biên chế vào một khung huấn luyện của Đoàn 22, Quân khu 4. Hơn 2 tháng huấn luyện, rèn luyện, nắng mưa thao trường. Đêm hôm đó chúng tôi được lệnh hành quân 3 ngày đêm, đi qua Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, đến đêm thứ 3 chúng tôi tập kết tại một ngôi làng gần thị trấn Tân Kỳ.

Những ngày sau đó, cùng với việc sắp xếp biên chế, trang bị, chúng tôi được huấn luyện chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu. Tôi nhớ mãi một nhiệm vụ luôn được quán triệt, tư tưởng là: “Đi lâu, đi sâu, đi đến ngày thắng lợi”. Sau này tôi mới biết đơn vị của tôi là d28.7316 và việc tập kết tại Tân Kỳ, Nghệ An sau đó bất ngờ hành quân bằng cơ giới vào Nam. Đồng thời thành lập một 7316B. Lắp vào doanh trại đúng quân cũ của 7316A. Vẫn giữ nguyên hệ thống liên lạc với BTTM, đây là khởi đầu của việc nghi binh chiến lược ngoạn mục.

Từ Tân Kỳ, Nghệ An chúng tôi hành quân bằng cơ giới theo đường binh trạm, ngày nghỉ đêm đi, đến cuối tháng 02/1975, từ trạm giao liên cuối cùng, chúng tôi hành quân bộ vào khu vực tập kết chiến đấu. Suốt chặng hành quân dài, anh em ai cũng nô nức, đúng là như lời của một bài hát “Đường ra trận mùa xuân…”.

Từ một khu rừng nguyên sinh ở Quảng Đức, phía Tây thị xã Buôn Mê Thuột, bắt đầu xuyên rừng đi bộ, tiếp cận địch. Phương châm chỉ đạo của chiến dịch là tuyệt đối bí mật. Có thể thấy việc đưa được một đơn vị lớn, với trang bị kỹ thuật hình thành thế bao vây, áp sát khu vực xuất phát tiến công, bí mật, an toàn đã là một thắng lợi lớn, góp phần tạo nên thắng lợi của toàn chiến dịch. Trong chiến dịch này tôi có 02 kỷ niệm sâu sắc:

- Đây là trận đánh đầu đời của người chiến sĩ.

- Đây là chiến dịch mở màn để giải phóng Tây Nguyên. Là tiền đề cho ta tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

3 ngày, 3 đêm hành quân tiếp cận trận địa địch, với tôi đây là lần hành quân gian nan nhất với trang bị, vũ khí cá nhân, lương thực thực phẩm và trang bị của đơn vị có thể nói là thiếu nặng.

Thực hiện phương châm tuyệt đối bí mật, nên 3 ngày đêm hành quân tiết kiệm chúng tôi chỉ ăn lương khô, cơm nắm (thực ra cơm nắm sang ngày thứ 2 thì không thể ăn được nữa vì thiu). Nước uống rồi cũng hết. Ngày hành quân thứ 2 thì suốt chặng đường không hề gặp một suối nước nào. Đến chặng ngày thứ 3, tôi và một số đồng đội rớt lại khá xa so với đội hình của Đại đội. Tối hôm đó gần khuya chúng tôi mới về nơi tập kích (Đơn vị phải cử một bộ phận quay lại tìm)

Đêm mồng 9, rạng sáng mồng 10/3/1975 trận đánh vào thị xã Buôn Mê Thuột bắt đầu: Đêm đó thật là hồi hộp, pha đôi chút lo sợ. Tôi đi cùng anh Ngô Đức Trang, Đại đội Trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 28. Đơn vị trực thuộc Sư Đoàn. Khi anh Trang bảo tôi đào công sự chiến đấu, tôi dùng xẻnh cá nhân, đào một vị trí nằm bắn; khi công sự gần xong, cũng là lúc tiếng pháo nổ vang trời, tôi định xông lên, anh Trang giữ tôi lại - Đại đội Trưởng nói: Đây là tiếng Nô Đề Pa của Pháo binh Sư đoàn ta (Trận địa phía sau chúng tôi). Sau này, nhớ lại kỷ niệm này thấy thật buồn cười về bản lĩnh mới tò te của mình.

Thực ra, nhiều năm sau này tôi mới được hiểu rõ hơn, để đánh vào thị xã Buôn Mê Thuột, cấp trên đã tạo ra nhiều trận đánh nghi binh, chia cắt, cô lập địch từ những ngày trước đó. Hoặc ngay bản thân đơn vị tôi, kết hợp với một số đơn vị bạn đều có chung một mục tiêu là đánh vào SCH Sư đoàn 23 Ngụy. Tuy nhiên Sư đoàn 316 trên hướng chủ yếu tiến công vào SCH Sư đoàn 23, kho Mai Hắc Đế, căn cứ 53 sân bay Hòa Bình. Khó khăn nhất vẫn là căn cứ 53 và SCH Sư đoàn 23. Tuy nhiên, với một trận đánh do ta giữ bí mật và nghi binh tốt kết hợp binh lực, hở lực, pháo binh, xe tăng và ta đã đột phá các căn cứ của địch đã tan vỡ, ta tiêu diệt hẳn một nghìn lính địch. Đến 11h30 ngày 10/3/1975 ta đã làm chủ thị xã Buôn Mê Thuột.

Lại nói về trận đánh. Ngay sau khi quân ta vượt qua vật cản, xông vào mục tiêu, lúc đó c3, d28 của chúng tôi có nhiệm vụ bám sát đội hình phía trước, bắt giữ tù, hàng binh. Rạng sáng 10/3 chúng tôi đã dẫn giải, thu gom gần 1000 tù, hàng binh đưa về tuyến sau, tiếp tục thẩm vấn, khai thác, phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu phía trước.

          Trong số tù hàng binh năm đó, có nhiều sĩ quan cấp Trung, Sư đoàn, sĩ quan biệt kích. Đại tá Vũ Thế Quang, Phó Tư lệnh Sư đoàn 23 Ngụy, là một trong số đó. Là người trực tiếp phục vụ cho cán bộ của Mặt trận nơi cùng địch, tôi nhận ra phần lớn chúng đều hèn nhát. Khai báo ngay, cũng có một số ít tỏ vẻ vênh váo, bất cần, vẫn hy vọng tái chiếm lại Cao Nguyên. Nhưng cuối cùng cũng bị khuất phục, trong số đó có 02 điển hình là: Nguyễn Văn Thông, Thiếu tá, Tiểu đoàn Trưởng Tiếp Vn và YB Hòe,  đại úy biệt kích. Trước khi hành quân thực hiện nhiệm vụ mới cơ bản ta đã phóng thích tại chỗ số tù, hàng binh này. Có một số ít được chuyển về mặt trận tiếp tục khai thác, phục vụ nhiệm vụ chiến đấu.

Nhận nhiệm vụ mới, c3, d28, f316 chúng tôi hành quân bằng xe cơ giới tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Tận dụng phương tiện thu được của địch, một số huy động của Nhân dân. Chúng tôi rời Buôn Mê Thuột, cơ động theo đường 14, qua Bình Long, Phước Long về Dầu Tiếng, Tây Ninh. Do thế trận được tạo ra sau khi ta chiếm được Tây Nguyên, Sư đoàn 23, Quân đoàn 2, Quân khu 2 địch bị tan vỡ, tháo chạy về hướng đồng bằng. Ta đã thực hiện được chia cắt Bình Trị Thiên, Huế- Đà Nẵng và Sài Gòn. Chiến dịch Huế -Đà Nẵng thắng lợi “Trong cơn gió lốc” các binh đoàn chủ lực của ta tấn công như vũ bão, địch tháo chạy ta đã áp sáp Đông Bắc Sài Gòn. Về phía đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh chiếm Trảng Bàng - Củ Chi và căn cứ Đồng Dù - Đến trưa ngày 30/4/1975 khi đang dừng chân tại một địa điểm tại bờ sông Sài Gòn, khu vực Dầu Tiếng. Niềm vui vỡ òa khi Đài thông báo tin chiến thắng kẻ địch đã đầu hàng. Nhiều anh em trong đơn vị hét to “Giải phóng rồi…giải phóng rồi…” Chúng tôi thu xếp vũ khí, trang bị tiếp tục hành quân từ Gò Dầu, qua Trảng Bàng về Củ Chi, vượt sông qua Thủ Dầu một.

Đơn vị chiếm lĩnh căn cứ Sư đoàn 5, ngay ở Lai Khê, Bến Cát (Trước đây là căn cứ của Sư đoàn số 1, anh cả đỏ của Mỹ).

Sau khi cũng cố đơn vị, từ đây, đến tháng 5/1976 chúng tôi lại hành quân ra Biên giới phía Bắc tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

Sau 50 năm nhìn lại quãng đời binh ngũ của mình. Thấy có chút tự hào là một trong những người con của Nghĩa Đàn (Thái Hòa), Nghệ An. Đại diện cho những người chiến sĩ xuất phát từ Nghệ An, Quân khu 4. Góp một phần nhỏ bé của mình trong việc giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước./.

                                                                                                                                     Bài: Ngô Thành Khâm